Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo vệ sản xuất cuối vụ Xuân và triển khai sản xuất vụ Mùa 2021

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 03/5/2021: Diện tích lúa đã cấy, gieo sạ 84.946,9 ha đạt 100,1% kế hoạch. Lúa đang giai đoạn cuối làm đồng – trỗ, một số diện tích lúa cấy sớm trước 03/02/2021 (4.200 ha) đang giai đoạn chín. Diện tích lúa trỗ: 55.441,9 ha, đạt 65,3% diện tích gieo cấy.



Diện tích gieo trồng cây rau, màu: 20.540,4ha đạt 99,4% kế hoạch. Diện tích thu hoạch 4.459,6 ha (đạt 21,7% diện tích gieo trồng).

Dự kiến đến 05/6/2021 thành phố sẽ cơ bản hoàn thành thu hoạch vụ lúa Xuân

Để tiếp tục chủ động bảo vệ sản xuất vụ Xuân và triển khai trong sản xuất vụ Mùa năm 2021, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây một số nội dung như sau:

1.1. Chủ động bảo vệ sản xuất vụ Xuân 2021

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại cuối vụ như rầy nâu, sâu đục thân, bệnh khô vằn,…

Chăm sóc tốt các cây rau màu trên đồng ruộng, chú ý bón thúc, vun xới, đảm bảo tưới tiêu phù hợp để cây rau, màu sinh trưởng thuận lợi, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn môi trường, sinh thái.

Khi lúa Xuân đã chín cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để chỉ đạo thu hoạch nhanh, gọn với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do rủi ro thời tiết như mưa lớn, mưa đá, giông, lốc, gió xoáy gây ra.

1.2. Triển khai sản xuất vụ Mùa 2021

Các địa phương rà soát, xây dựng và triển khai kế hoạch gieo trồng vụ Mùa trên địa bàn nhằm tận dụng tối đa các diện tích để mở rộng sản xuất, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng phát triển sản xuất cây trồng chất lượng và giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế để đảm bảo tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố.

  1. a) Về cơ cấu giống

- Đề xuất cơ cấu giống lúa vụ Mùa năm 2021 như sau:

+ Nhóm giống lúa thuần chất lượng (BT7, HT1, HDT10, HDT11, TBR225, TBR 279, VNR20, Dự hương 8,…), lúa nếp (nếp 87, nếp 97, nếp 9603, nếp cái hoa vàng,…) chiếm từ 58% đến 60% diện tích gieo cấy trở lên.

+ Nhóm giống lúa thuần năng suất (Khang dân, Thiên ưu 8, TBR45, TBR36, BC 15 (kháng đạo ôn): 40 – 45%;

+ Nhóm giống lúa lai (Nhị Ưu 838, TH3-5, TH3-3, GS9,…) và giống khác: 4-6%.

- Giống cây rau màu:

+ Sử dụng các giống ngô lai, nhóm giống ngắn và trung ngày: NK4300, NK6654, LVN4, LVN99,…; nhóm ngô thực phẩm: ngô nếp HN88, MX4, MX10, Wax 44,…

+ Giống đậu tương: DT84, ĐT51, ĐT22, ĐT26, Đ8,… để làm giống cho vụ Đông.

+ Giống lạc: MD7, MD9, L14, L18, L23,…

+ Các giống rau cải ăn lá, bầu, bí lai, đậu đỗ các loại.

  1. b) Thời vụ gieo trồng

- Đối với cây lúa: Gieo mạ trà cực sớm và sớm từ 01 – 10/6, cấy từ 12 – 20/6; trà chính vụ gieo mạ từ 10 – 20/6, cấy từ 20/6 – 05/7; gieo thẳng từ 10 – 20/6. Gieo mạ dự phòng bằng giống cực ngắn: HN6, PC6,… để chủ động mạ phục hồi diện tích ngập úng sau mưa bão.

Thu hoạch nhanh gọn lúa xuân, làm đất cấy ngay lúa mùa. Phấn đấu gieo cấy trà cực sớm và sớm xong trước 30/6 và thu hoạch trước 30/9 đạt 70% diện tích để tăng hiệu quả phòng chống úng và đảm bảo diện tích trồng cây vụ Đông.

- Đối với cây rau màu: Tập trung trong tháng 6, đầu tháng 7

1.3. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn đảm bảo chất lượng, chủng loại giống, vật tư phục vụ cho sản xuất.

1.4. Bảo đảm cấp đủ nước tưới và chủ động tiêu nước phục vụ sản xuất./.

TX (TH)