Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo đảm sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn

Nhằm tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối để các sản phẩm an toàn thực phẩm được sản xuất và phân phối nhiều hơn trên thị trường. Qua đó, tạo ra những mặt hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vừa nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, vừa phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.



Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh việc xây dựng những vùng chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn thành phố hiện có hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn, trong đó có 43 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích 1.700ha; duy trì hơn 1.300ha rau, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP, 181ha nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 50ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 141 chuỗi, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm động vật và 85 chuỗi sản phẩm thực vật. Nhìn chung, việc sản xuất theo hướng an toàn không chỉ giúp người dân tiêu thụ với giá cao hơn 10-15% so với sản phẩm theo hướng truyền thống mà còn giúp các ngành chức năng trong vấn đề quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.

Theo chia sẻ của ông Tô Văn Định, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Du, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, bên cạnh việc phát triển sản xuất rau an toàn, Hợp tác xã Sơn Du cũng đã thí điểm xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ an toàn sinh học trên diện tích 2,5 ha để hướng tới phân khúc thị trường tiêu thụ cao, nâng cao giá trị hàng nông sản của hợp tác xã. Mặc dù quy trình chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tốn nhiều công sức hơn nhưng giá bán sản phẩm rau hữu cơ của hợp tác xã cũng cao hơn so với sản phẩm rau canh tác theo phương pháp truyền thống từ 3-4 nghìn đồng/kg.

Để tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn bảo đảm chất lượng, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tham mưu thành phố có những chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay cho các hộ sản xuất an toàn để mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết. Cùng với đó, tuyên truyền để thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân trong sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn trong ngành đã đẩy mạnh tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp và người sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Nếu thực phẩm không an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, giảm uy tín hàng hóa, chất lượng thực phẩm của Việt Nam, gây tổn thất lớn về kinh tế. Do đó, để thay đổi hành vi của người dân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, bảo đảm an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội thì việc tiếp tục có những chính sách nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và nhân rộng nhiều mô hình thực hiện an toàn thực phẩm, điểm phân phối thực phẩm an toàn,…là thực sự cần thiết.

Xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2021, duy trì và tăng 20% chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thì hoạt động kết nối càng cần đẩy mạnh nhằm không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất tìm kiếm thị trường, tạo sự liên kết trong cân đối cung - cầu nông sản, mà còn góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành Nông nghiệp Thủ đô...Quan trọng, tổ chức sản xuất theo chuỗi sẽ góp phần vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa giải quyết khâu lưu thông sản phẩm hàng hóa.

Theo ông Tạ Văn Tường – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội sẽ đẩy mạnh chú trọng quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng Thủ đô..../.

Lưu Phượng