Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý về ATTP trên địa bàn thành phố

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND về Quy định phân công, phân cấp quản lý về An toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.



Theo đó, ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định phân công, phân cấp quản lý về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Cụ thể, về nguyên tắc phân công, phân cấp và phối hợp quản lý ATTP.

Nguyên tắc phân công, phân cấp và phối hợp quản lý ATTP thực hiện theo Luật ATTP, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP), các VBQPPL của Trung ương và UBND thành phố Hà Nội.

UBND quận, huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhà nước về ATTP trong phạm vi địa phương theo phân công, phân cấp; Bảo đảm việc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; Phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành, hội, đoàn thể và giữa các cấp Thành phố, cấp huyện, cấp xã; Bảo đảm nguyên tắc một cửa, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước; Bảo đảm tính khoa học, đầy đủ và khả thi.

Về phân cấp quản lý cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống giữa cấp Thành phố, cấp huyện theo nguyên tắc cấp nào cấp GCN đăng ký kinh doanh/GCN đăng ký đầu tư về sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì cấp đó quản lý cơ sở (trừ các trường hợp sau: cơ sở theo phân cấp tuyển Trung ương quản lý; hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương quản lý).

Về Quản lý cơ sở sản xuất thực phẩm hỗn hợp hoặc kinh doanh thực phẩm hỗn hợp hoặc cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh thực phẩm, thực hiện phân công theo Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP: Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý.

Đối với cơ sở không thực hiện công đoạn sản xuất nhưng kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên do ngành Công Thương quản lý, trừ trường hợp là chợ đầu mối, đấu giá nông sản.

Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP để thực hiện các TTHC.

Cơ quan được phân công, phân cấp quản lý cơ sở có trách nhiệm cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP, xác nhận bản cam kết ATTP, tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm, xác nhận kiến thức về ATTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức, thanh kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, kiểm nghiệm, xử lý vi phạm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm đối với cơ sở thuộc lĩnh vực được phân công, phân cấp quản lý theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2019 và thay thế Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND Thành phố ban hành “Quy định phân công trách nhiệm quản lý về ATTP trên địa bàn thành phố Hà Nội”./.

TX (Theo Cổng GTĐT TP Hà Nội)