Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ban hành Đề án Phát triển năng lực phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp của Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2021-2025

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4245/QĐ-UBND về ban hành Đề án Phát triển năng lực phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp của Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.



Theo đó, Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển năng lực phân tích và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp của Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu:

Về duy trì và phát triển năng lực kiểm nghiệm: Phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017, là cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước; Hàng năm, tổ chức đào tạo mới, nâng cao để củng cố, phát triển phương pháp phân tích; Bố trí mặt bằng và nâng cấp, hoàn thiện điều kiện phòng kiểm nghiệm đảm bảo an toàn lao động, an toàn môi trường và đủ điều kiện tham gia hệ thống kiểm nghiệm, kiểm chứng quốc gia; Bổ sung trang thiết bị, đầu tư mới các hệ thống thiết bị phân tích công nghệ tiên tiến, thay thế thiết bị đã hết khấu hao; đầu tư bổ sung thiết bị, dụng cụ phụ trợ để mở rộng, nâng cao năng lực phân tích của Trung tâm.

Về duy trì và phát triển năng lực chứng nhận: Duy trì và phát triển năng lực chứng nhận sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt chuẩn ISO/IEC 17065:2012, ISO/IEC 17021-1:2015, được các Bộ, ngành liên quan chỉ định năng lực chứng nhận (VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, hợp quy phân bón, hợp quy thức ăn chăn nuôi).

Phát triển hợp tác với một số tổ chức kiểm nghiệm, chứng nhận, đánh giá quốc tế để phát triển nguồn nhân lực đánh giá chứng nhận cho các tiêu chuẩn nông nghiệp quốc tế; Phấn đấu 100% số cơ sở, số diện tích đã đầu tư và áp dụng tiêu chuẩn được đánh giá và cấp chứng nhận. Phấn đấu đến năm 2025, thực hiện đánh giá và cấp chứng nhận VietGAP trồng trọt: 20% diện tích vùng chuyên canh tập trung; VietGAP thủy sản: 10% diện tích vùng chuyên canh tập trung; VietGAP chăn nuôi: 10% số cơ sở được đầu tư; nông nghiệp hữu cơ: 5% diện tích vùng chuyên canh tập trung.

Về triển khai hoạt động phân tích: Phấn đấu phân tích từ 150.000 đến 300.000 lượt chỉ tiêu chất lượng và phân tích rà soát, định danh, định tính, định lượng nguyên nhân gây mất an toàn trên mẫu thực phẩm, môi trường nông nghiệp (đất, nước), phân bón, thức ăn chăn nuôi.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025, dự kiến là 246 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố.

Căn cứ nội dung, giải pháp của Đề án và các chính sách liên quan; phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Thành phố; phương án tự chủ tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng nhiệm vụ, dự toán thu, chi ngân sách gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp, trình UBND Thành phố theo đúng quy định./.

Theo Cổng GTĐT Hà Nội