Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bàn giải pháp duy trì chuỗi sản xuất, lưu thông, cung ứng, xuất khẩu thực phẩm thịt

Trong điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến họp trực tuyến với một số hiệp hội, doanh nghiệp về cung ứng, xuất khẩu thực phẩm thịt.



 

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến, Cục Chăn nuôi cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 3,22 triệu tấn, trong đó sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 932.200 tấn, tăng 6,1%; sản lượng trứng gia cầm đạt 8,4 tỷ quả, tăng 5%. Dự kiến năm 2021, tổng sản lượng thịt cả nước đạt khoảng 5,8 triệu tấn, trong đó thịt gia cầm khoảng trên 1,5 triệu tấn, trứng gia cầm khoảng 16 tỷ quả.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, qua hoạt động của các doanh nghiệp lớn cho thấy, các chuỗi sản xuất rất quan trọng. Trong nhiều tình huống, các chuỗi vẫn được phát huy tốt từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối đến tay người tiêu dùng. Đây là bài học về xây dựng, củng cố và mở rộng chuỗi khép kín trong nước và quốc tế. Hiện năng lực sản xuất nông sản tương đối dồi dào và các chuỗi vẫn đang phát huy tốt. Thứ trưởng khẳng định, với sản lượng thịt, trứng đạt được như thời gian qua, chúng ta hoàn toàn chủ động được nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và một phần cho xuất khẩu.

Ông Võ Việt Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, cho biết, là công ty chế biến thịt lợn cung cấp cho thị trường Hà Nội, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, sản lượng tăng hơn 200%. Mặc dù, một vài đơn vị có công nhân mắc Covid -19 không tiếp tục hoạt động được, doanh nghiệp vẫn phải tăng sản lượng lên 300 - 400% để phục vụ cho các hệ thống siêu thị tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, tập đoàn đang sản xuất theo chuỗi và nhờ phòng dịch từ trước nên không bị tác động bởi giãn cách xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất rất cần các cơ quan chức năng tháo gỡ vấn đề quan trọng nhất là lưu thông từ sản xuất đến tiêu thụ. Bộ cần làm việc với ngành giao thông để thống nhất cả nước trong vấn đề lưu thông hàng hóa.

Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - bà Phạm Thị Huân cho biết, nhà máy của công ty sản xuất, chế biến khép kín, cộng với việc áp dụng công nghệ nên không bị động về nhân công. Để chia sẻ với khó khăn của người tiêu dùng, giá sản phẩm trứng gia cầm của doanh nghiệp vẫn giữ ổn định. Hiện mỗi ngày đơn vị cung cấp ra thị trường từ 1,2 - 1,4 triệu quả trứng.

Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Lenger Việt Nam cho hay tình hình sản xuất của doanh nghiệp chưa bị tác động nhiều bởi dịch do đã chuẩn bị chu đáo các biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, do phải giao hàng đến tận các cửa hàng ở các ngõ, ngách nên buộc doanh nghiệp phải sử dụng xe máy để phân phối hàng. Doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm Covid-19 để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng vấn đề quan trọng nhất để duy trì chuỗi sản xuất là lực lượng lao động cần được tiêm vắc - xin ngừa Covid-19.  Hiện nay, đã có lượng tiêm nhất định cho doanh nghiệp “3 tại chỗ” nhưng tỷ lệ vẫn còn khá hạn chế.

Đặc biệt, ý kiến của các doanh nghiệp đều cho rằng việc cần thiết lúc này là cấp thiết tháo gỡ lưu thông hàng hoá. Mặc dù đều sản xuất theo chuỗi, phòng dịch rất nghiêm ngặt và không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng các doanh nghiệp đều lo lắng về vấn đề vận chuyển. Doanh nghiệp kiến nghị Bộ có ý kiến để các địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối, lưu thông được hàng hóa.

Để giúp các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn về thủ tục hành chính, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất, miễn 100% lệ phí cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giảm 50% phí thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; bỏ quy định công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; miễn 100% lệ phí cấp chứng thư xuất khẩu, giảm 50% chi phí kiểm tra lô hàng xuất khẩu liên quan đến việc cấp chứng thư xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Kết luận tại buổi làm việc, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, các địa phương từ tỉnh xuống đến thôn, bản song song với công tác phòng chống dịch cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa, tránh đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng trong chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện, nếu nảy sinh những mâu thuẫn, Bộ sẽ tiếp tục bàn với các địa phương, bộ, ngành khác nhằm tháo gỡ kịp thời để dòng hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm không ách tắc, đảm bảo chất lượng và bình ổn về giá./.

Theo khuyennongvn.gov.vn