Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ba Vì: Nâng cao thu nhập từ phát triển kinh tế vườn hộ

Xác định kinh tế vườn hộ là một thế mạnh, “đòn bẩy” để phát triển kinh tế của địa phương, năm 2016, xã Minh Quang, huyện Ba Vì đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển mô hình này, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về đất đai và nguồn lao động dồi dào.



Trong đó tập trung xóa bỏ vườn tạp, cải tạo thành vườn thâm canh, có quy hoạch, tập trung phát triển cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và lao động tại địa phương. Sau khi nghiên cứu, địa phương tập trung phát triển các loại cây trồng chính như bưởi, chuối, dong, giềng…

Ông Bùi Văn Thơm, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay: Những vườn cây ăn trái này trước đây vốn là vườn cây ăn quả tạp, cỏ dại mọc um tùm. Tuy nhiên, sau khi thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng theo hướng chuyên canh, người dân đã khai thác tối đa hiệu quả kinh tế từ mảnh vườn của gia đình.

Là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế vườn hộ ở địa phương, ông Đặng Xuân Quý (thôn Liên Bu), hiện đang canh tác hơn 1ha vườn cây ăn quả. Trong đó có 400 gốc bưởi, 600 gốc chuối tiêu hồng và gần 100 gốc chanh. Ông Quý cho biết: “Sau khi xã có chủ trương cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả chuyên canh tôi đã đưa các loại cây có múi vào trồng. Hiện vườn cây đã cho thu hoạch, trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 300 triệu đồng. Nhờ vậy đời sống của gia đình tôi cũng được nâng cao”.

Hộ ông Vũ Văn Lâm (thôn Liên Bu) cũng có thu nhập khá từ mảnh vườn hơn 7.000m2 của gia đình. Ông Lâm so sánh: “So với cách canh tác truyền thống trước kia thì mô hình cây trồng chuyên canh này cho hiệu quả kinh tế hơn gấp nhiều lần. Công việc bớt vất vả mà thu nhập lại cao hơn”.

Ông Nguyễn Tiến Tha, Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang cho biết: Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã chủ động mở các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấy cây trồng, tổ chức cho bà con đi tham quan học tập các mô hình sản xuất hiệu quả. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi... Hiện toàn xã đã chuyển đổi được 160ha cây trồng chuyên canh, với thu nhập bình quân 250 - 300 triệu đồng/ha. Nhiều hộ đã có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ vậy, nếu như năm 2017 thu nhập chỉ đạt 32 triệu đồng/người/năm, thì năm 2018 đã tăng lên thành 38 triệu đồng/người/năm. “Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế vườn hộ. Qua đó góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở địa phương” - ông Tha khẳng định./.

 NT (Theo KTĐT)