Tôi hẹn gặp anh vào một buổi sáng mát trời, anh dẫn tôi đi tham quan một vòng khu chăn nuôi vịt đẻ kết hợp với nuôi thủy sản của gia đình anh với quy mô 10 ha. Rồi anh kể lại những khó khăn từ những ngày đầu lập nghiệp.
Năm 2004, gia đình anh là hộ đầu tiên của thôn An Hòa – xã Trầm Lộng nhận thầu diện tích đất 5% của xã. Khi bắt tay vào làm anh mới thấy khó khăn, do khu ruộng anh thầu nằm xa khu dân cư, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng. Nên anh phải đầu tư kinh phí kéo điện 3 pha từ thôn bên cạnh về để sản xuất, rồi thuê máy đào đất đắp lại đường để thuận lợi cho việc đi lại.
Lúc bắt đầu làm, gia đình anh sản xuất theo hướng lúa – vịt. Nhưng do thiếu vốn và không nắm được nhu cầu của thị trường cũng như kỹ thuật nên gia đình anh gặp không ít khó khăn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Để có thêm kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi, anh thường xuyên đến những vùng nuôi thủy sản lâu năm (Ngọc Động, Trung Tú…) để học hỏi và trao đổi. Năm 2006, khi đã có kiến thức về chăn nuôi thủy sản, anh thuê máy xúc về đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi vịt. Thiếu vốn sản xuất, anh phải vay ngân hàng để có tiền đầu tư xây dựng. Với diện tích 10 ha, anh xây 1 chuồng vịt đẻ trên bờ cùng với khu nhà kho đựng thức ăn, dưới ao anh đắp bờ xây kè kiên cố xung quanh, còn trên mặt ao anh làm lưới thép để tạo sân chơi cho vịt đẻ.
Hiện nay, gia đình anh nuôi 1.000 con vịt đẻ giống Super để chuyên cung cấp trứng giống cho Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên với giá 10.000đ/quả. Còn dưới ao anh thả cá trắm, chép cho năng suất đạt 15 - 17 tấn cá/ ha với giá bán trung bình 50.000đ/ kg. Sau khi trừ hết các chi chí và khấu hao tài sản cố định, anh thu lãi trên 300 triệu đồng/ năm.
Tuy là hộ chăn nuôi giỏi của xã, nhưng anh vẫn luôn học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật mới. Mới đây, anh đã cùng các hộ chăn nuôi thủy sản trong xã đi tham quan thực tế các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao của các tỉnh bạn (Hải Dương, Hưng Yên…) để tìm hiểu mô hình nuôi cá sông trong ao, và các phương pháp chăn nuôi hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng gia đình
Với thâm niên nuôi cá hơn 10 năm, anh chia sẻ kinh nghiệm: Hiện nay, các hộ đều nuôi cá theo hướng thâm canh, mật độ nuôi dày, lượng chất thải trong ao nhiều sẽ sản sinh ra khí độc làm cho cá dễ nổi đầu. Chính vì vậy nuôi cá cần theo dõi thời tiết chặt chẽ để định lượng thức ăn cho cá phù hợp, tránh dư thừa lượng thức ăn trong ao, đồng thời trong ao luôn phải có máy sục khí để phòng khi thời thiết thay đổi. Ngoài ra, để hạn chế cá nhiễm bệnh cần quản lý môi trường ao nuôi đúng kỹ thuật, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước ao nuôi.
Ông Lê Tiến Trường – Nguyên Chủ nhiệm HTXNN An Hòa cho biết: Với đặc điểm là vùng chiêm trũng, toàn xã đã chuyển đổi khoảng 80% (tương đương trên 400 ha) từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh với trên 300 hộ sản xuất. Trong đó, gia đình anh Hoan la một trong những hộ sản xuất giỏi của xã, là mô hình tiêu biểu để nhân rộng trên địa bàn của huyện Ứng Hòa./.
Nguyễn Thị Tuyến – Trạm khuyến nông Ứng Hòa