Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 200/CÐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm (DCGC) và các chủng vi-rút cúm gia cầm (CGC) lây sang người.
Page Content
Theo đó, để chủ động ngăn chặn vi-rút cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút CGC khác, hạn chế thấp nhất vi-rút cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng sức khỏe của cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh,thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường thực hiện công tác phòng, chống DCGC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 133/CÐ-TTg ngày 23-1 và tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể sau: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT), Trưởng Ban Chỉ đạo (BCÐ) quốc gia phòng, chống DCGC ban hành,hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi-rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người"; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía bắc. Bộ Y tế triển khai quyết liệt, kiểm tra sát sao việc thực hiện "Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam"và các biện pháp phòng, chống các chủng vi-rút cúm khác. Các bộ, ngành thành viên BCÐ quốc gia phòng, chống DCGC theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành phối hợp chặt chẽ cơ quan liên quan tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi-rút A/H7N9 và các chủng vi-rút CGC khác vào Việt Nam. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo UBND các cấp và các sở, ngành liên quan: khẩn trương có "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi-rút CGC nguy hiểm có khả năng lây sang người" trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ NN và PTNT để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong BCÐ phòng, chống dịch các cấp; thành lập ngay các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Ðề án 2088 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống CGC lây qua biên giới; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm khác; chỉ đạo đôn đốc, tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi-rút; tăng cường lấy mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường nhằm phát hiện vi-rút cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút khác trên gia cầm nhập lậu, tại các chợ buôn bán gia cầm sống nhằm phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời; tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn; tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được xử lý chín bằng nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam; khi phát hiện có vi-rút cúm A/H7N9 xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường phải báo cáo ngay cho Bộ NN và PTNT và Bộ Y tế, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để,kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan thú y, không để vi-rút phát tán ra diệnrộng. Các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình DCGC và các biện pháp phòng, chống dịch.../.TT (TH)