Thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02, Trưởng đoàn kiểm tra số 01 của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã kiểm tra việc thực hiện Chương trình 02 tại huyện Thanh Trì. Cùng dự có Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến…
Page Content
Đoàn kiểm tra đã thăm, kiểm tra các công trình hạ tầng tại xã Yên Mỹ. Triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Yên Mỹ đã huy động được hàng trăm tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự chung sức của nhân dân chủ động tham gia đóng góp vào xây dựng quê hương. Tại thôn 1 xã Yên Mỹ, nhân dân đã đóng góp tiền và ngày công trị giá hơn 2 tỷ đồng để cải tạo Ao Dài (trước đây là ao tù, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng) kè bờ, trồng cây xanh, lắp đặp hệ thống chiếu sáng tạo cảnh quan sạch đẹp. Đoàn cũng thăm mô hình trồng cây ăn quả ở thôn 3 xã Yên Mỹ. Sau dồn điền đổi thửa, người dân trong thôn đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi sang trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh mang lại giá trị cao. Cũng trong xây dựng nông thôn mới, những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đầu tư, tạo ra bước chuyển mới cho sản xuất nông nghiệp như mô hình trồng rau thủy canh của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát. Mô hình với diện tích 2.600m2 được đầu tư kinh phí 2,8 tỷ đồng, đến nay bước đầu cho kết quả tốt. Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh cho biết: Yên Mỹ là xã ngoài đê; dân số nhỏ (gần 6000 người) là vùng chuyên canh rau cung cấp cho thị trường Hà Nội. Xã đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng rau, ban đầu bà con chỉ sản xuất rau truyền thống nhưng đến nay đã đưa công nghệ cao vào sản xuất. Xã, huyện chọn 2 hộ nông dân điển hình đi thực tế tại Lâm Đồng và Tam Đảo. Hiện xã có 70 ha rau an toàn, 22 ha tiêu chuẩn Vietgap. Làm nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, dược liệu... Đặc biệt mô hình rau thủy canh, huyện hỗ trợ 60% kinh phí; hỗ trợ cho thuê đất; hỗ trợ học tập mô hình…
Để hỗ trợ sản xuất, huyện Thanh Trì đã xây dựng điểm trưng bày và giới thiệu, cung ứng sản phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc. Đây là điểm bán và quảng bá những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao của huyện đến người tiêu dùng vừa giúp người sản xuất tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, giá trị hơn như: Rau sạch, miến, gạo, nấm...
Thanh Trì hiện đứng thứ 3 của Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới. Để đạt kết quả như hôm nay huyện đã nỗ lực rất nhiều vì đây là vùng trũng nơi chứa nước của toàn thành phố, số hộ sản xuất nông nghiệp cao. Kết quả đạt được là cả một quá trình vươn lên. Về kết quả thực hiện, riêng nông nghiệp huyện đã hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân sau dồn điền đổi thửa, hình thành 4 vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...
Năm 2017, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy chỉ đạo mỗi huyện có ít nhất 1-2 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Thanh Trì đã làm được.
Sau kiểm tra thực tế, tại hội nghị Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận xét, huyện Thanh Trì đã có rất nhiều mô hình hiệu quả từ hạ tầng đến sản xuất, đặc biệt là lòng dân phấn khởi. Để đạt kết quả này là sự cố gắng, nỗ lực trong cả một quá trình dài. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy mong muốn huyện sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để sớm được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, huyện đã có chỉ đạo quyết liệt, có sáng tạo, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp tham gia xây dựng nông thôn mới tạo nên sự đổi thay về diện mạo sáng, xanh, sạch, đẹp. Nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia và quay lại phục vụ chính đời sống người dân. Những tuyến đường hoa được bảo vệ và phát triển có sự chăm sóc của chính nhân dân sống gần đó. Nông thôn mới đã hoàn thành, huyện cần khớp nối gắn với quy hoạch chung Thủ đô tiến đến tiêu chí quận trong tương lai. Huyện cũng cần quan tâm đến giải quyết việc làm cho người lao động, quan tâm đến các tiêu chí y tế, văn hóa chăm lo đến các gia đình chính sách, người có công.
Về những tồn tại yếu kém, trong giai đoạn này, huyện chịu sức ép rất lớn trước sức ép đô thị, huyện phải phấn đấu xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất phải thường xuyên, liên tục tất cả các giải pháp đề ra. Đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình 02; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.…/.
Lưu Phượng