UBND Thành phố vừa ban hành kế hoạch về Khuyến công năm 2017, mục tiêu nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành theo hướng công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực nông thôn; Hỗ trợ phát triển các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các ngành có khả năng cạnh tranh thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Page Content
Mục tiêu cụ thể: Giá trị sản xuất làng nghề năm 2017 đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, tăng 7,14% so với năm 2016. Góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2017 đạt khoảng 185 triệu USD, tăng 5,1% so với năm 2016.
Có từ 500 đến 600 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề, khoảng 60 nghệ nhân và từ 3.000 đến 4.000 cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, người lao động của các cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ thông qua các hoạt động Khuyến công. Tạo ra từ 250 đến 300 mẫu sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
Khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn tự bỏ kinh phí cùng với một phần kinh phi hỗ trợ của Thành phố (không quá 200 triệu đồng/1 dự án) để đầu tư phát triển công nghiệp ở nông thôn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động, hạn chế gây ô nhiễm môi trường nông thôn.
Nội dung bao gồm: Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề tiểu thủ công nghiệp (cấy nghề, nâng cao tay nghề); Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị, điều hành; Tổ chức kết nối cung cầu nguyên liệu ngành mây tre đan; Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; Tổ chức Hội chợ Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2017; Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố năm 2017; Tổ chức khu trưng bày, giới thiệu và giao dịch sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội tại Bảo tàng Hà Nội; Tổ chức cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu của các nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nhân năm 2017; Thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền về khuyến công và làng nghề.../.
NT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)