UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1439/VP-NNNT, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã và sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình công tác năm 2015 Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Page Content
Theo đó Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2015 cả nước có khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân cả nước đạt 11 tiêu chí/xã; tỷ lệ số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn dưới 5%.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 của Ban Chỉ đạo mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là: Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, thôn trực tiếp gắn với phát triển đời sống hàng ngày của người dân (giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường...); phát triển sản xuất gắn với tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn; giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn; nâng cao hiệu quả truyền thông, đào tạo đội ngũ cán bộ và tăng cường năng lực đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình.
Trên cơ sở những nhiệm vụ trọng tâm trên, các địa phương chủ động lựa chọn những vấn đề bức xúc về sản xuất và cải thiện đời sống của người dân trên từng địa bàn để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ rệt, trong đó ưu tiên chỉ đạo và hướng dẫn các xã khó khăn để đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đối với những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo đạt chuẩn bền vững.
Căn cứ kết quả giai đoạn 2010 - 2015 và điều kiện thực tế, bổ sung mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2016- 2020; xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để thực hiện; khẩn trương tính toán, xác định nguồn lực và cơ cấu nguồn lực; các chính sách cần có để huy động tốt nguồn lực nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Rà soát, nghiên cứu điều chỉnh hoặc bổ sung hướng dẫn tiêu chí phù hợp với thực tế, nhất là với các vùng khó khăn, vùng đặc thù theo hướng không hạ thấp tiêu chuẩn, chất lượng của các tiêu chí; đề xuất quy định những tiêu chí cơ bản bắt buộc phải thực hiện và những tiêu chí được vận dụng để địa phương có thể linh hoạt áp dụng cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng mà vẫn đảm bảo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia.
Tiếp tục ra soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn như chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, để tăng năng suất, tăng sản lượng và giá trị nhằm tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp; cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học tạo ra những đột phá trong nghiên cứu giống mới có giá trị cao...
Mặt khác, cần tập trung đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung chỉ đạo cải thiện chất lượng môi trường nông thôn; nâng cao năng lực bộ máy Ban chỉ đạo, giúp việc các cấp; tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, giữ vững an ninh trật tự ở nông thôn.../.
TX (TH)