Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nuôi trồng thủy sản: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Đó là thông tin được TS. Bùi Quang Tề - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đưa ra tại Hội thảo Nhịp cầu nhà nông do Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức tại huyện Thanh Trì. 



Tại hội thảo, đã có trên 60 câu hỏi về các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp. Trả lời những câu hỏi liên quan đến lĩnh vực thủy sản như "Ao có nhiều tảo xanh, nước ao bị sủi bọt, đã thay nước nhưng không hiệu quả", "Ao bị nổi váng màu vàng, đã xử lý vôi nhưng không hết", "vì sao cá rô phi thường bị chết vào tầm tháng 7-8 hàng năm", "cá trắm cỏ bỏ ăn, lồi mắt, chết rải rác"..., TS. Bùi Quang Tề - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 nhấn mạnh, đối với nuôi trồng thủy sản cần "phòng bệnh hơn chữa bệnh", trong đó đặc biệt quan trọng là công tác vệ sinh môi trường ao nuôi trong nuôi cá. Theo ông Tề, để phòng bệnh cho cá, giảm hiện tượng nổi váng ao cần làm sạch nước ao bằng cách: giảm khẩu phần ăn cho cá, bón vôi xuống ao (10-15 ngày/lần với  khối lượng 20-30 kg vôi/1000 m3), sau đó dùng chế phẩm vi sinh để làm sạch môi trường ao nuôi. Khi cho cá ăn cũng cần chú ý 3 yếu tố: đúng số lượng, đúng thời gian và đúng vị trí nước sạch. Bên cạnh đó, ông Tề khuyến cáo không dùng kháng sinh phòng bệnh cho cá mà có thể dùng tỏi cho cá ăn để phòng bệnh.  Bên cạnh những câu hỏi về lĩnh vực thủy sản, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã giải đáp những câu hỏi về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và các chính sách nông nghiệp. Liên quan đến vấn đề "được mùa - mất giá” và giá thịt lợn đang xuống thấp gây khó khăn cho bà con nông dân, các chuyên gia cho rằng, các cấp chính quyền cần lập quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, xây dựng chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Về phía huyện Thanh Trì, trong thời gian tới, huyện sẽ ký hợp đồng với các trường học, bếp ăn tập thể, mở các điểm bán hàng trên địa bàn để kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ bà con nông dân./. Nguyễn Thúy