Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nhân dân Thủ đô góp gần 600 tỷ đồng làm nông thôn mới

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến tháng 6.2017, toàn thành phố Hà Nội đã có 255/386 xã đạt chuẩn NTM, với 2 huyện đã được công nhận huyện NTM là Đan Phượng và Đông Anh. Ngoài ra, 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình T.Ư công nhận huyện đạt chuẩn NTM.



Nhờ có sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền và sự tham gia đóng góp nhiệt tình của nhân dân Thủ đô, đến nay cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn trên địa bàn đã được đầu tư mạnh mẽ. Theo đó, đã  có 100% tuyến đường trục xã, liên xã tại Hà Nội được nhựa hóa, bê tông hóa; 95% đường liên thôn được bê tông hóa, 91% đường ngõ xóm và 50% đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa. Cùng với đó, 100% các hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn.Tính đến nay, toàn thành phố đã có 319/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về trường học; 345/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về thủy lợi; 351/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, 100% số xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về nhà ở dân cư…Về huy động nguồn lực, tổng kinh phí đã huy động đầu tư cho NTM toàn thành phố từ năm 2016 đến nay là hơn 14.800 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách thành phố chiếm hơn 7.100 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 6.000 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 400 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách hơn 1.100 tỷ đồng (riêng nhân dân đóng góp gần 600 tỷ đồng). Ngành NN&PTNT thành phố đã đề ra nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2017 tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách huy động, tập trung cao các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó coi trọng sự huy động tham gia đóng góp của người dân. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ xây dựng NTM… Ông Lê Thiết Cương - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay: “Trong công tác quy hoạch, thành phố chỉ đạo các xã đạt chuẩn NTM tiếp tục rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch để phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, hướng đến mục tiêu tăng thu nhập bền vững cho người dân và phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp...”. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đẩy mạnh thực hiện việc dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện đưa cơ giới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân./. NB (Theo Báo NTNN)