Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về An toàn thực phẩm và công tác quản lý giết mổ, gia cầm trên địa bàn Thành phố năm 2013. Đồng chí Trần Xuân Việt – Phó Chủ tịch UBND Thành phố tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Page Content
Trong năm 2013, Ban chỉ đạo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của Sở đã tiến hành kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm tại 29/29 quận, huyện, thị xã và các đơn vị chuyên môn của Sở. Tổ chức trên 4.691 buổi kiểm tra được 8.715 vùng, chợ, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, giết mổ, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Kết quả phát hiện 894 cơ sở vi phạm, xử lý cảnh cáo 347 cơ sở, phạt tiền 261 trường hợp với tổng số tiền là 1,290,718,000 đồng. Năm 2013, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác quản lý chất lượng thực phẩm trong đó chú trọng duy trì và xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn. Cũng trong năm 2013, việc xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường còn hạn chế. Sở Nông nghiệp & PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đánh giá tiêu chí cơ sở giết mổ theo quy định. Đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 20 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở giết mổ công nghiệp, 11 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 6 cơ sở giết mổ thủ công và đề nghị Sở Nông nghiệp & PTNT báo cáo, đề nghị UBND Thành phố phê duyệt cho 5 cơ sở giết mổ bán công nghiệp đảm bảo theo các tiêu chí được hưởng chính sách hỗ trợ. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Xuân Việt đánh giá, vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố còn nhức nhối. Do vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, tiêu thụ. Với người sản xuất, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ để họ sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Với người kinh doanh, hướng dẫn họ phân biệt sản phẩm an toàn, hỗ trợ để họ nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hướng dẫn cho người tiêu dùng cách chọn sản phẩm an toàn, giới thiệu cho họ những địa chỉ sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn đáng tin cậy. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tham mưu các văn bản pháp lý, chính sách; tập trung kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đồng thời tổ chức tốt liên kết chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm./. Nguyễn Thúy