Thực hiện Quyết định số 1736/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 vừa có buổi kiểm tra công tác phòng, chống virut cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virut cúm gia cầm khác trên địa bàn huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa.
Page Content
Làm việc với UBND xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch gia súc, gia cầm của xã cho biết, xã có tổng đàn gia cầm trên 992 nghìn con với hơn 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Do trên địa bàn xã có lễ hội Chùa Hương kéo dài từ tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch thu hút trên 100 vạn lượt khách thập phương nên công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như phòng, chống dịch cúm gia cầm rất được địa phương chú trọng. Đối với cúm A/H7N9, xã ban hành kế hoạch phòng, chống và ứng phó với dịch, phối hợp với Trạm thú y thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã ổn định, chưa có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra.
Tại huyện Ứng Hòa, thời gian qua, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cũng như kế hoạch về tăng cường phòng, chống và ứng phó với dịch cúm A/H7N9 trên địa bàn huyện. Huyện đã chỉ đạo Công an huyện, quản lý thị trường phối hợp với Trạm thú y và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Trạm thú y huyện đã tiến hành lấy 30 mẫu kiểm tra sự lưu hành của virut cúm gia cầm tại các chợ và tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm đến tận hộ chăn nuôi. Tổ chức tiêm phòng vac xin cúm gia cầm đợt 1 cho gần 568.000 lượt con. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, tập huấn, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã để người dân được biết và chủ động phòng, chống dịch có hiệu quả.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đánh giá cao công tác chỉ đạo của UBND các huyện trong phòng, chống dịch gia súc, gia cầm nói chung và cúm A/H7N9 nói riêng. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu địa phương tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thú y, y tế, công an, quản lý thị trường để nắm bắt sớm thông tin để chủ động giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho người chăn nuôi thấy được tính chất đặc biệt nguy hiểm của dịch bệnh từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm và chủ động thực hiện nghiêm túc trong công tác tiêm phòng vac xin và vệ sinh tiêu độc, khử trùng./.
Lưu Phượng