Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 1040/TCLN-PTR gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc khuyến cáo sản xuất lâm nghiệp theo mùa vụ trồng rừng.
Page Content
Về thông tin dự báo thời tiết, dự báo các tháng cuối năm, khả năng xuất hiện El Nino giảm xuống 40-50% so với các dự báo trước đây. Dự báo trong cả mùa bão năm 2017 có khoảng 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Trong đó, dự báo có khoảng 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp trên đất liền nước ta và tập trung ở khu vực Trung bộ.
Thời kỳ mưa nhiều, tập trung có khả năng ngắn hơn so với trung bình nhiều năm. Tháng 7-8/2017 là giai đoạn có khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng nhiều nhất và lượng mưa trong các tháng 7-9 và tháng 12/2017 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Mùa mưa 2017 ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ kết thúc sớm, tại Trung bộ có khả năng thiếu hụt mưa trong các tháng cuối năm. Nhiệt độ trung bình từ tháng 7-12/2017 trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm.
Căn cứ cơ sở dữ liệu theo dõi của Tổng cục Lâm nghiệp, thời điểm từ tháng 7 đến tháng 9 là mùa vụ trồng rừng của hầu hết các tỉnh trên toàn quốc. Một số loài cây trồng lâm nghiệp trồng chính như cây mọc nhanh gồm: các loài keo, bạch đàn, mỡ, bồ đề, xoan, tếch. Cây bản địa gồm: lát hoa, sa mộc, vối thuốc, lim xanh. Cây lâm sản ngoài gỗ: sơn tra, quế, hồi, trẩu, trám. Cây trồng ven biển gồm: bần, trang, sú, đước, mắm,…
Về yêu cầu kỹ thuật, chuẩn bị giống cây trồng đảm bảo số lượng và chất lượng giống tốt, kiểm soát, xác định nguồn gốc giống theo quy định. Xử lý thực bì, cuốc, lấp hố, trồng, chăm sóc, bón phân,…đúng hướng dẫn kỹ thuật.
Căn cứ dự báo khí tượng thủy văn nêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu các tỉnh tranh thủ trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa, không trồng những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ; trồng rừng ngập mặn vào thời điểm gió yếu, sóng biển thấp và thủy triều rút. Chú ý phòng trừ một số loài sâu bệnh hại chủ yếu như: bệnh lở cổ rễ, rơm lá Thông, sâu ăn lá keo, bệnh khô lá sa mộc, khô lá, đốm lá, sâu cánh cứng hại Hồi; dế, mối ăn cây non….
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở địa phương triển khai trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo mùa vụ, đảm bảo hiệu quả và hoàn thành kế hoạch năm 2017./.
TX (Theo ĐCSVN)