Skip Ribbon Commands
Skip to main content

KIỂM TRA THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 02 TẠI HUYỆN GIA LÂM VÀ HUYỆN ĐÔNG ANH

Đoàn kiểm tra của Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng làm Trưởng đoàn vừa có buổi  kiểm tra thực hiện Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016 - 2020 tại huyện Gia Lâm và huyện Đông Anh. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.



Theo báo cáo, đến tháng 6-2017, huyện Gia Lâm có 17/20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã còn lại đạt và cơ bản đạt 16 tiêu chí trở lên. Về tiêu chí huyện nông thôn mới, Gia Lâm đã đạt 7/9 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 2 tiêu chí chưa đạt còn lại  là tiêu chí về thủy lợi và tiêu chí về môi trường. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện Gia Lâm đã triển khai tại mỗi xã từ 1 đến 2 mô hình trồng lúa chất lượng cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với diện tích 1.631ha; xây dựng 65 tổ nhóm giám sát quá trình sản xuất tại các vùng chuyên canh. Toàn huyện đã chuyển đổi được 579ha theo quy hoạch vùng sản xuất, trong đó có 259ha cây ăn quả. Xã Phù Đổng và một phần xã Đặng Xá có truyền thống nuôi bò thịt, bò sữa, người dân đã tận dụng phân gia súc để nuôi giun quế vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra phân bón sạch và thành phẩm giun quế làm thức ăn cho chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích về môi trường và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Khó khăn lớn nhất của huyện Gia Lâm hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường của 3 con sông: Cầu Bây, Giàng và Thiên Đức. Nếu không có sự hỗ trợ của thành phố thì khó có thể cải thiện tình trạng ô nhiễm...  Kết luận buổi kiểm tra, Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên TW Đảng – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội – Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02/Ctr-TU của Thành Ủy đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Gia Lâm trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy nên đã đạt được những kết quả rõ nét. Công tác tuyên truyền về Chương trình 02 Thành Ủy của huyện Gia Lâm khá đa dạng, phong phú, coi chung sức xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của toàn dân. Huyện Gia Lâm đã chỉ đạo có trọng tâm về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị kinh tế cao, bền vững. Điển hình như các mô hình trồng cây ăn quả, cá biệt có mô hình đạt giá trị từ 700 đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Huyện Gia Lâm đã phát huy thế mạnh của địa phương có nhiều làng nghề, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Về xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí ở 3 xã chưa đạt của huyện đã nâng lên một cách rõ nét. Tuy nhiên, với xã còn lại triển khai xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020, các chỉ tiêu đòi hỏi cao hơn, huyện Gia Lâm cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Tại huyện Đông Anh, Đoàn đã đi thăm và kiểm tra tại xã Đông Hội và Tàm Xá. Tại xã Đông Hội, Đoàn kiểm tra cơ sở vật chất dạy và học tại trường mầm non và trường tiều học Đông Hội (xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015). Hiện nay, xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp do bị thu hồi phục vụ các dự án công nghiệp, đô thị. Đoàn kiểm tra đã chỉ rõ do tốc độ đô thị hóa nhanh nên địa phương gặp một số khó khăn trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nông dân sau thu hồi đất, dân số gia tăng nhanh dẫn tới các trường học đều quá tải v…v. Hiện nay, xã Đông Hội được thành phố chọn đầu tư xây dựng điểm xã nông thôn mới trong bối cảnh đô thị. Tại xã Tàm Xá, Đoàn đã kiểm tra sản xuất tại vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ ngô sang quất cảnh. Hiện nay, xã Tàm Xá đã chuyển đổi được gần 60/218ha đất bãi sang mô hình quất cảnh cho hiệu quả kinh tế cao, đạt bình quân 800 triệu đồng/ha/năm. Xã Tàm Xá đã hỗ trợ kéo điện ra khu vực chuyển đổi, mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Diện tích đất nông nghiệp còn lại nhân dân trồng chuối, rau xanh và chỉ còn 70ha trồng ngô. Thời gian tới, xã Tàm Xá tiếp tục vận động nhân dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả thay thế dần cây ngô. Tiếp đó, tại hội trường, đoàn công tác đã nghe báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 02 của Huyện. Báo cáo của huyện Đông Anh cho thấy, địa phương đã xây dựng được 4 đề án sản xuất trong nông nghiệp. Trên địa bàn đã hình thành được một số vùng sản xuất chất lượng cao, hiệu quả vượt trội so với các mô hình nông nghiệp truyền thống như: Vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng; trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả; chăn nuôi... Hằng năm, huyện Đông Anh trích ngân sách từ 20 đến 25 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện đã có 22/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn lại xã Dục Tú đang phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 41 triệu đồng/người/năm. Kết luận buổi kiểm tra trên địa bàn huyện Đông Anh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Đông Anh: Diện mạo kinh tế, xã hội của huyện tiếp tục thay đổi rõ nét trên cả 3 mặt phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân./. Tiến Vũ