Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & PTNT) vừa có công văn gửi Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh phía Bắc về việc chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân 2013-2014 tại các tỉnh phía Bắc.
Page Content
Theo đó, để chăm sóc lúa kịp thời, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh hại, đảm bảo thắng lợi sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2013-2014, Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Bắc tập trung chỉ đạo một số nội dung sau: Với trà lúa Xuân gieo sớm (nhóm dài ngày, trung ngày gieo cấy trước Tết Nguyên đán) lúa đã đẻ nhánh tối đa và đang giai đoạn phân hoá đòng, để hạn chế nhánh vô hiệu cần tháo cạn nước mặt ruộng, phơi ruộng đến cứng nền để rễ lúa ăn xuống, giúp cây cứng, khỏe và chống đổ tốt; sau 5-7 ngày tiếp tục cho nước, kết hợp bón bổ sung kali, sau đó duy trì mực nước ruộng từ 2-3 cm, tạo điều kiện cho lúa làm đòng và trỗ bông thuận lợi; không bón thêm phân đạm để hạn chế lúa đẻ lai rai, đặc biệt trên những diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn.Những chân ruộng và trà lúa gieo cấy sau Tết Nguyên đán và bị thiệt hại do rét, hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái cần kết thúc chăm sóc sớm, bón tập trung và cân đối N-P-K; chân ruộng lúa chưa đẻ kín đất nên phun bổ sung phân qua lá, các chất hỗ trợ sinh trưởng. Khuyến cáo và hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu, bệnh và chuột hại lúa, đặc biệt đối với các đối tượng như bệnh đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân và chuột theo chỉ đạo của chuyên ngành BVTV,…. Lúa Đông Xuân năm nay sẽ trỗ muộn hơn so với những năm bình thường khoảng 7-10 ngày; do vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng đề án sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa gắn với vụ Đông trên cơ sở bố trí lịch gieo cấy, cơ cấu giống và các giải pháp kỹ thuật phù hợp, chuẩn bị đủ giống và vật tư cho vụ tiếp theo. Tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh đề án tái cấu trúc và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất "cánh đồng lớn", liên kết sâu với doanh nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi từ lúa sang các cây rau màu khác có thị trường tiêu thụ, hiệu quả hơn so với trồng lúa. Phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh và chuột hại đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa… NT (TH)