Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND về việc hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người. Theo đó, mục tiêu là chủ động phát hiện và sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người và tác động bất lợi nếu vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Hà Nội.
Page Content
Nhiệm vụ: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân phải vào cuộc ngay từ đầu, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn quản lý; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm dịch bệnh, bao vây, khống chế kịp thời, tuyệt đối không để lây lan ra diện rộng; chủ động bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Các Sở, ban, ngành có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; chủ động phối hợp với các địa phương trong quản lý, giám sát dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ vắc xin,vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch. Các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các cơ quan chuyên môn thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch;tránh tư tưởng hoang mang trong nhân dân. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm,công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và quy định của Pháp luật. Có 4 tình huống giả định được đưa ra với những giải pháp thực hiện cụ thể gồm:Chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người; chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh; phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh; phát hiện vi rút cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh./.TX(TH)