Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Chủ động ứng phó với ảnh hưởng do mưa, bão số 2

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão số 2 (tên quốc tế: Talas) đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Dự báo đến 22h tối 15/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10. Những giờ tiếp theo, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, duy trì cấp bão với gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 9-10 khi đi vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.



Do ảnh hưởng của bão số 2 mưa lớn có thể kéo dài ở các tỉnh miền Bắc. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; các Doanh nghiệp thuỷ lợi tập trung thực hiện một số nội dung sau: 1. Đối với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã - Thường xuyên theo dõi diễn biến mưa và tình hình ngập úng để có biện pháp chống úng kịp thời, chú ý khoanh vùng diện tích lúa gieo sạ, các vùng có nguy cơ bị ngập úng cao để có các phương án xử lý nhanh, tiêu úng kịp thời; - Huy động các lực lượng khơi thông cửa các cống tiêu, giải phóng dòng chảy…trước khi có mưa lớn xảy ra do hoàn lưu bão, đảm bảo tiêu nước nhanh chóng cho các vùng có nguy cơ ngập úng; - Đối với diện tích cây rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày vụ Mùa trên đất chuyên màu, chú trọng tiêu thoát nước khi mưa lớn. Chỉ đạo bón thúc ngay lúa đang đẻ nhánh, hạn chế bón đạm đơn, bón cân đối lượng đạm để hạn chế bạc lá, nhất là giống Bắc thơm số 7, HT1…; đối với trà lúa đã đẻ nhánh, bón thúc bằng kali, lượng bón từ 2-3kg/sào. - Thực hiện theo phương án phục hồi sản xuất nông nghiệp sau úng lụt số 44 ngày 22/05/2017 của Tiểu ban Phục hồi sản xuất – Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Thành phố; 2. Đối với các Doanh nghiệp thủy lợi Thường xuyên theo dõi diễn biến mưa và tình hình ngập úng để có biện pháp chống úng kịp thời, tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi; cử cán bộ thường trực, tổng hợp số liệu báo cáo theo quy định. 3. Chi cục Bảo vệ thực vật, các Trung tâm: Khuyến nông, Phát triển cây trồng - Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, diễn biến mưa bão, tổng hợp tình hình sản xuất nông nghiệp, kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết nhằm giảm tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra; - Phối hợp với các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa bão; - Giới thiệu thông tin, địa chỉ cung cấp giống tin cậy để giúp nhân dân vùng ngập úng khi có nhu cầu khôi phục sản xuất nông nghiệp./. Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội