Skip Ribbon Commands
Skip to main content

6 mục tiêu, 7 giải pháp của ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025

Tổng cục Lâm nghiệp vừa ban hành Quyết định số 60 về định hướng phát triển ngành giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng.



6 mục tiêu cụ thể trong Quyết định số 60 được Tổng cục Lâm nghiệp đặt ra gồm:

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm.

- Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD; tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.

- Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m3/năm vào năm 2025; đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 - 2025.

- Phát triển dịch vụ hệ sinh thái, dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu; tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm tăng 5%.

- Tỷ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo nghề khoảng 45% vào 2025; mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020.

- Nâng cao chất lượng rừng nhiên, hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định ở mức 42%.

Trên cơ sở huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, ngành lâm nghiệp định hướng đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng.

Đây là tiền đề để ngành lâm nghiệp góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh và thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững.

Để thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Quyết định 60, Tổng cục Lâm nghiệp đặt ra 7 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chính trong thời gian tới.

Một là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực. Tổng cục tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Hai là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Trong đó, ngành lâm nghiệp sẽ chú trọng truyền thông với nội dung phong phú và hình thức đa dạng, phát huy truyền thông hiện đại và mạng xã hội tạo sự thay đổi về nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng; chú ý yếu tố văn hóa, dân tộc thiểu sốtrong công tác tuyên truyền; tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân; vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng.

Ba là phát triển, nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm. Đây là nhiệm vụ quan trọng, giúp ngành lâm nghiệp giữ vững tốc độ tăng trường, cũng như xây dựng, hoàn thiện định mức kinh tế, kỹ thuật trong lâm nghiệp; xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lâm nghiệp; tạo giống cây trồng lâm nghiệp mới có năng suất cao, thâm canh rừng, khai thác, vận chuyển và chế biến lâm sản.

Bốn là đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành. Ngành lâm nghiệp ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành lâm nghiệp; mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới.

Năm là xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ, hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và dịch vụ logistics. Những nhiệm vụ chính bao gồm: Tổ chức lại vùng sản xuất tập trung theo định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực phù hợp với lợi thế của từng vùng gắn với cơ giới hóa đồng bộ và kết nối với khu chế biến lâm sản và dịch vụ thương mại; đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ; đẩy mạnh hiện đại hóa, cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa tập trung.

Sáu là nâng cao hiệu quả hoạt động, tổ chức sản xuất kinh doanh. Ngành lâm nghiệp sẽ phát triển các hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác, chia sẻ trong lâm nghiệp; phát triển sản xuất kinh doanh đa dạng, gắn trồng rừng với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị; đồng thời khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư theo chuỗi khép kín vào ngành lâm nghiệp.

Bảy là tăng cường hợp tác quốc tế, khai thác tốt tiềm năng thị trường từ các hiệp định, cam kết quốc tế. Trong đó, đẩy mạnh việc thực thi các hiệp định quốc tế song phương và đa phương như: Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT); Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).../.

NT (Theo nongnghiep.vn)