Skip Ribbon Commands
Skip to main content

5 Công nghệ đáng nhớ

Trong một năm nhiều biến động của ngành gia cầm, việc ứng dụng và tìm ra các công nghệ phù hợp để phát triển sản xuất không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao mà còn thay đổi nhận thức, cách làm mới cho người nuôi. Dưới đây là 5 công nghệ nổi bật về tính phát triển bền vững và hiện đại của gia cầm năm 2020.



Công nghệ thụ tinh nhân tạo kết hợp nuôi gà chuồng lồng

Công nghệ nay đang được Công ty TNHH MTV gà giống Dabaco áp dụng rất thành công trong năm qua. Công nghệ thụ tinh nhân tạo giúp giảm chi phí chăn nuôi tới 7%, giảm số gà trống sử dụng đến 10 lần, đồng thời tăng tỷ lệ phôi và tỷ lệ nở của trứng gà lên 20%. Nuôi gà bố mẹ trong chuồng lồng cộng với phương pháp thụ tinh nhân tạo đã thể hiện ưu thế vượt trội so với nuôi trong chuồng sàn với phương pháp thụ tinh tự nhiên: Thức ăn tiêu tốn trên mỗi con gà bố mẹ nuôi lồng giảm 10% so với nuôi gà sàn do nuôi nhốt trong lồng gà không mất nhiều năng lượng cho quá trình vận động. Tỷ lệ chết giảm từ 0,5 - 2% so với nuôi nền do có thể phát hiện và điều trị kịp thời những con gà có dấu hiệu bệnh. Tỷ lệ trống - mái giảm được 1/2 - 3/4 tỷ lệ trống/mái do khai thác được tối đa lượng tinh dịch của gà trống nên không cần sử dụng nhiều gà trống. Tỷ lệ đẻ cao hơn 10% so với nuôi nuôi gà trên nền. Tỷ lệ trứng loại 1 tăng khoảng 2% so với nuôi nền do trứng đẻ trong lồng sạch sẽ, ít dập vỡ, gà ít bệnh. Tỷ lệ trứng có phôi đạt 94,5 - 95,5%, cao hơn nuôi nền từ 3 - 5% do trong quá trình khai thác tinh có thể kiểm tra chất lượng tinh trùng để lựa chọn những con trống tốt và loại thải những con trống kém. Tỷ lệ nở/trứng có phôi tăng 2% do trứng sạch hơn, gà mái được phối tinh thường xuyên nên đảm bảo mật độ tinh trùng cho quá trình tạo phôi. Tỷ lệ nở loại 1/trứng có phôi tăng 3 - 4%... Ðiều quan trọng là trứng gà sạch nên giảm thiểu được hiện tượng truyền bệnh của gà bố mẹ sang gà con thương phẩm, gà con nở ra khỏe mạnh, giá thành/1 con gà giống giảm từ 10 - 14% so với nuôi nền, thụ tinh tự nhiên. Thông thường với phương thức nuôi nền tỷ lệ trống/mái cần duy trì là 1/10, nhưng đối với phương thức nuôi lồng thụ tinh nhân tạo tỷ lệ này là 1/20 đến 1/25 tùy giống.

Công nghệ hữu cơ - an toàn sinh học (ATSH)

Chăn nuôi hữu cơ là một kiểu chăn nuôi theo hình thức trang trại, trong đó thức ăn chăn nuôi đều là những vật phẩm nông nghiệp sẵn có, giải pháp chăn nuôi này có thể giúp tiết kiệm chi phí tối ưu cho bạn trong quá trình chăn nuôi. Không chỉ vậy, phân của vật nuôi sẽ được sử dụng để bón cho cây trồng trong vườn hay ruộng nhằm mang đến độ màu mỡ cho đất. Với các sản phẩm thu được từ chăn nuôi như thịt hay trứng, ngoài việc cung cấp cho nhu cầu sử dụng của gia đình thì còn có thể bán ra thị trường nhằm nâng cao thu nhập. Ðây đều là những mặt hàng sạch, ngon vì không tồn tại dương lượng hóa chất, vaccine. Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi hữu cơ đã và đang được áp dụng tại Việt Nam do một số tổ chức quốc tế hỗ trợ và doanh nghiệp thực hiện.

Trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh vào chăn nuôi với chuỗi liên kết khép kín (bao gồm đầu tư nghiên cứu, sản xuất con giống, thiết bị chuồng trại, áp dụng công nghệ hiện đại và trình độ quản lý tiên tiến...), góp phần thúc đẩy sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển bền vững hơn. Ðã hình thành nhiều chuỗi liên kết trong chăn nuôi ở hầu hết các địa phương, dưới các hình thức: chăn nuôi gia công, hợp tác xã chăn nuôi, doanh nghiệp và nông dân cùng làm. Ðiển hình như chuỗi sản xuất gia cầm của các công ty C.P, Dabaco, Emivest, Japhacomfeed, Ausfeed, Thái Dương, Greenfeed, Bình Minh; chuỗi sản xuất trứng gia cầm của Công ty Ba Huân, Hợp tác xã (HTX) Tiên Viên…, tạo được niềm tin đối với người dân. Ðặc biệt, trong chăn nuôi gà, Tập đoàn Hùng Nhơn đã liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu theo chuỗi sản phẩm công nghệ cao khép kín, gồm: Công ty Bel Gà (của Bỉ, cung cấp con giống), Tập đoàn De Heus (Hà Lan, cung cấp thức ăn chăn nuôi), Công ty Koyu & Unitek (Ðồng Nai, chế biến và giết mổ) xuất khẩu các sản phẩm từ thịt gà sang thị trường khó tính Nhật Bản từ tháng 9/2017 đến nay rất hiệu quả.

Công nghệ vi sinh vật

Ðây là công nghệ được ứng dụng phổ biến trong chăn nuôi gia cầm của nước ta dưới nhiều phương phác khác nhau và đến nay nó vẫn là công nghệ mang lại nhiều kết quả cho người nuôi. Ðối với chăn nuôi gia cầm thì ưu điểm lớn nhất của việc sử dụng probiotic đó chính là chúng không để lại tồn dư nào trong trứng, thịt, do đó không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Probiotic là một lựa chọn thay thế với tiềm năng làm giảm sự gây bệnh nhiễm trùng ở gia cầm, làm tăng năng suất và tăng khả năng miễn dịch. Ngoài ra, tác dụng của Probiotic đối với sức khỏe và khả năng sản xuất của gia cầm rất khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại vi sinh vật của Probiotic (lactobacilli, bifidobacteria, nấm men, enterococci). Ứng dụng công nghệ vi sinh hữu hiệu EM trong chăn nuôi gia cầm không những bảo đảm được vệ sinh môi trường, phòng tránh được dịch bệnh mà còn bảo đảm tốt sự sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi. Tổ chức Liên đoàn phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM coi đây là một trong những giải pháp công nghệ để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững, sạch và nâng cao được chất lượng của sản phẩm. Trong tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát hiện nay, việc sử dụng công nghệ vi sinh vật hữu hiệu EM là một giải pháp rất tốt để phòng, chống dịch bệnh và duy trì đàn gia cầm, bên cạnh các phương pháp khác đang được dùng.

Công nghệ phân tử trong chẩn đoán

Phương pháp Real-time RT-PCR hiện đang được sử dụng để chẩn đoán xác định ổ dịch cũng như là phương pháp xét nghiệm chính trong giám sát cúm gia cầm tại các chợ gia cầm. Phương pháp này không chỉ được Cục Thú y áp dụng với cúm gia cầm độc lực cao mà đã được phát triển để xét nghiệm chẩn đoán các chủng virus cúm H7N9, cúm heo (H1N1) và các bệnh khác. Trong bối cảnh hiện nay trên thế giới, các bệnh truyền lây từ động vật sang người như cúm gia cầm, SARS, Covid-19… có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch trên người thì năng lực chẩn đoán phát hiện tác nhân gây bệnh một cách nhanh, nhạy, chính xác với chi phí thấp là một yêu cầu quan trọng trong giám sát dịch bệnh và việc ứng dụng phương pháp Real-time RT-PCR tại các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã chứng tỏ là một lựa chọn thích hợp. Nếu tác nhân gây bệnh có nguy cơ gây đại dịch trên người được phát hiện sớm ngay ở quần thể động vật, bao gồm cả động vật hoang dã thì sẽ có thể tránh được đại dịch xảy ra hoặc ít nhất thì sẽ giúp giảm mức độ trầm trọng của dịch”.

Các phương pháp công nghệ phân tử được ứng dụng tại các phòng thí nghiệm thuộc hệ thống phòng thí nghiệm của Cục Thú y đã trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ công tác chẩn đoán bệnh trong thời gian qua, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, đồng thời là nền tảng để tiếp tục phát triển năng lực chẩn đoán trong tương lai. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ phân tử trong chẩn đoán đã giúp cho các phòng thí nghiệm chẩn đoán thú y của Việt Nam hội nhập tốt hơn với các phòng thí nghiệm tham chiếu trên thế giới, khai thác tốt hơn các cơ hội hợp tác trong nghiên cứu khoa học.

Công nghệ tự động hóa trong sản xuất trứng

Là công nghệ được thực hiện bởi Tập đoàn Dabaco, Công ty Ba Huân nhiều năm qua trong năm qua.  Năm 2003, khi đại dịch cúm gia cầm bùng nổ, công ty Ba Huân là doanh nghiệp đầu tiên nhập hệ thống thiết bị xử lý trứng gia cầm của Công ty Moba - Hà Lan, một tập đoàn hàng đầu thế giới trong việc xử lý trứng gia cầm. Theo đó, các thiết bị trong quá trình sản xuất đều được tự động hóa con người chỉ tham gia vào công đoạn thu hoạch và đóng gói. Tất cả quy trình sản xuất từ lựa chọn con giống, nuôi gà hậu bị, chăm sóc và nuôi đàn gà đẻ trứng đến việc thu hoạch, xử lý trứng đều được doanh nghiệp giám sát chặt chẽ. Quy trình xử lý trứng qua các công đoạn: rửa trứng, sấy khô, chiếu tia UV diệt khuẩn, soi tìm trứng hư, áo một lớp dầu bảo vệ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trong trứng đồng thời in nhãn hiệu và ký hiệu để truy xuất nguồn gốc từng quả trứng (khi cần), cân trọng lượng và đóng hộp thành phẩm. Với quy trình này, trứng được xử lý và diệt khuẩn đạt chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, tất cả các công đoạn được tự động hóa 100%. Tính ưu việt của dây chuyền xử lý trứng gia cầm ở các công đoạn: chiếu tia UV diệt khuẩn và làm se khít lỗ thông khí, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn hay tạp chất từ bên ngoài vào trong trứng, tạo sự an toàn tuyệt đối khi sử dụng./.

Theo tapchigiacam.vn