Skip Ribbon Commands
Skip to main content

10 năm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Ba Vì

10 năm qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ sự giúp sức của thành phố, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của nhân dân, huyện Ba Vì đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.



Ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình số 02 do đồng chí Phó bí thư thường trực Huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện làm Trưởng ban, phòng Kinh tế là Cơ quan thường trực giúp việc BCĐ chương trình 02 của huyện ủy.

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đang từng ngày làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Chính vì vậy, ngay sau khi Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Ba Vì đã vượt qua không ít khó khăn, thách thức để từng bước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện, Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành  nghị quyết chuyên đề liên quan đến các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các xã ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương. UBND huyện phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ huyệnđến xã thường xuyên được kiện toàn kịp thời chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ.

Công tác tuyên truyền đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ba Vì đã xác định công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu, phải đi trước một bước và phải được triển khai theo lộ trình, xác định từng nội dung, cách thức triển khai cụ thể trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể.

 Ngay từ những ngày đầu thực hiện, UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã xây dựng đề cương, tài liệu tuyên truyền về công tác xây dựng nông thôn mới với những nội dung cụ thể, sát thực. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện về các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Thành phố về xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, liên kết hợp tác trong sản xuất, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ nông sản. Tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng; chấp hành tốt các chủ trương về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Nhân rộng những mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, đặc biệt là việc triển khai dồn điền đổi thửa, hiến đất làm thủy lợi nội đồng và giao thông nông thôn được chú trọng tuyên truyền. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới đến nay, huy động các nguồn vốn đến 30/6/2019 được 2.123.067 triệu đồng.Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, toàn huyện đã tập trung nguồn lực, nhân lực về việc “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2010-2020 huyện Ba Vì đã đạt được: Nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong huyện được nâng lên rõ rệt. Các ban ngành, đoàn thể huyện và các xã đã chủ động tích cực tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình, đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến các xã đã có một bước trưởng thành quan trọng. Các chương trình, dự án được triển khai đồng bộ ở tất cả các xã trên địa bàn huyện; Những công trình hạ tầng KT-XH được đầu tư xây dựng mới và được cải tạo nâng cấp khang trang sạch đẹp; Các hình thức tổ chức sản xuất được quan tâm chỉ đạo, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư và đã đạt hiệu quả kinh tế cao góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống nhân dân. Đến hết tháng 6/2019, toàn huyện đã có 15/30 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, đạt 50% toàn huyện. Hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, nông nghiệp của huyện có bước tăng trưởng đáng kể như vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Vật Lại, Phong Vân, Đồng Thái, vùng nuôi trồng thủy sản 5 xã: Cổ Đô, Phú Cường, Phong Vân, Phú Đông, Vạn Thắng. Mô hình bò sữa, bò BBB tại các xã Vân Hòa, Tản Lĩnh, Tòng Bạt, Minh Châu,... mang lại hiệu quả kinh tế cao tăng thu nhập cho nông dân. Đường Giao thông ngõ xóm hầu hết được bê tông hóa, tình làng nghĩa xóm được nâng cao góp phần tăng cường đoàn kết ở khu dân cư. Cơ sở vật chất trường học các cấp được đầu tư khang trang theo hướng đạt chuẩn, thực hiện tách, sát nhập trường đảm bảo thuận tiện cho việc đưa trẻ đến trường, góp phần phát triển giao dục theo hướng chuẩn quốc gia và duy trì tốt kết quả phổ cập trẻ 5 tuổi.

Để đạt những kết quả trên là nhờ quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cách làm sáng tạo, hiệu quả, cùng sự đồng thuận tham gia tích cực của nhân dân. Quá trình triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo huyện đã đúc rút ra một số kinh nghiệm như sau: Cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM để cả hệ thống chính trị ở cơ sở và người dân hiểu rõ ý nghĩa của chương trình. Phát động tốt các phong trào thi đua, đặc biệt là trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới; các phong trào phải được xây dựng từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, đánh giá đúng mức, đúng đối tượng, khen thưởng kịp thời để động viên, nhân rộng mô hình... Quan tâm giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của nhân dân, nhất là những tồn tại cố hữu, như minh bạch trong kinh tế, vấn đề đất đai, vấn đề giải quyết các chế độ chính sách... qua đó phải có sự quan tâm, động viên, giải quyết kịp thời khi những vấn đề mới phát sinh. Người đứng đầu cấp uỷ chính quyền phải luôn đặt lợi ích của nhân dân, của tập thể làm trọng, coi lợi ích của nhân dân là gốc của mọi vấn đề và chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc mình lãnh đạo, không đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm. Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện. Cần kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM và tăng cường kiểm tra, giám sát để có chỉ đạo, uốn nắn kịp thời. Trong giai đoạn tới huyện Ba Vì, phấn đấu đến cuối năm 2022: 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023 phấn đấu huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.  Nông thôn mới nâng cao: Phấn đấu có 3-5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Về nông thôn mới kiểu mẫu: phấn đấu có 1-3 xã đạt NTM kiểu mẫu; mỗi năm có 2-3 thôn, làng công nhận khu dân cư kiểu mẫu theo các lĩnh vực./.

Hồng Đạt- Trung tâm VHTT&TT huyện Ba Vì