Skip Ribbon Commands
Skip to main content

“Ngày hội xuống đồng” của nông dân xã Phú Nam An

Nông dân xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ vừa nô nức xuống đồng để triển khai rắc chế phẩm AT-YTB, các hộ nông dân nơi đây đều rất hào hứng, phấn khởi vì đây là lần đầu tiên thực hiện xử lý rơm rạ tại ruộng sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh.



Từ trước đến  nay, việc đốt rơm rạ trực tiếp ngay trên đồng ruộng đã gây nhiều tác hại và lãng phí. Các chất hữu cơ rơm rạ trong quá trình đốt sẽ biến thành các chất vô cơ làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng do một lượng lớn nước bị bốc hơi. Quá trình đốt rơm rạ ngoài trời không kiểm soát được lượng dioxit carbon (CO2) phát thải vào khí quyển cùng với carbon monoxide (CO)… các khí trên đều rất có hại cho sức khoẻ con người và tăng mức thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Bên cạnh đó, rơm rạ là nguồn hữu cơ khổng lồ chiếm đến 50% trọng lượng của cây lúa, mỗi hecta trồng lúa có đến 8-10 tấn rơm rạ. Nếu không xử lý tốt không những không tận dụng được nguồn hữu cơ, mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2019, theo kế hoạch, diện tích gieo cấy lúa cả năm của xã Phú Nam An đạt 353,4 ha, như vậy có khoảng trên 3.534 tấn rơm rạ mỗi năm. Đây là nguồn nguyên liệu quý nếu được sử dụng hợp lý làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng thấp, hầu như chỉ sử dụng để che phủ khi trồng khoai tây vào vụ đông, 60-70% lượng rơm rạ còn lại, nông dân đốt huỷ hoặc thả xuống dòng chảy gây ô nhiễm môi trường, hạn chế tầm nhìn giao thông, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Hiện tại, đã có các nghiên cứu về xử lý rơm rạ, các phế phụ phẩm trong nông nghiệp xử lý, chế biến làm phân hữu cơ sinh học, song do quá trình ủ mất thời gian và công sức vì phải thu gom rơm rạ. Vì vậy, hầu hết các hộ dân đều xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng việc đốt tại đồng ruộng hoặc để tự phân huỷ.

Để khắc phục tình trạng này, đồng thời giúp người dân tận dụng được nguồn rơm rạ sẵn có, theo kế hoạch của Trung tâm Khuyến nông thành phố Hà Nội, Trạm khuyến nông Chương Mỹ đã phối hợp với đơn vị thực hiện là Hợp tác xã nông nghiệp Phú Nam An đã tiến hành triển khai mô hình Xử lý rơm rạ tại ruộng sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh AT-YTB để xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa vụ xuân năm 2019 với quy mô 50 ha và 399 hộ tham gia. Nông dân tham gia mô hình đã được tập huấn quy trình kỹ thuật, được nhà nước hỗ trợ 50% chế phẩm xử lý rơm rạ trên đồng ruộng (50% lượng chế phẩm còn lại do các hộ dân đối ứng).

Song song với việc triển khai mô hình trên toàn bộ 50ha, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm khuyến nông Chương Mỹ cùng hợp tác xã nông nghiệp Phú Nam An triển khai 3 công thức so sánh trên 3 khu ruộng (Công thức 1: không bón; Công thức 2: bón 100g/sào; Công thức 3: bón 200g/sào) nhằm giúp bà con nông dân nơi đây thấy rõ sự khác biệt và tác dụng khi sử dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB để xử lý rơm rạ tại ruộng.

Qua theo dõi ban đầu cho thấy, trên ruộng không được xử lý sau 7 ngày, hầu như thân rạ còn nguyên, bùn màu đen và có nhiều mùi tanh hôi do khí SO2 gây ra. Còn đối với ruộng được xử lý bằng chế phẩm vi sinh AT-YTB từ 5-7 ngày, chế phẩm phát huy tác dụng đã phân huỷ được hết rơm rạ trên ruộng, ruộng không có mùi hôi; đáng chú ý là ruộng sử dụng công thức 3 cho kết quả rõ nét nhất.

 Thời gian tới sẽ tiếp tục lấy mẫu đất ở 3 công thức (14 ngày sau bón) để so sánh với trước khi bón về độ tơi xốp, hàm lượng các chất khoáng, vi sinh vật trong đất. Mặt khác, sẽ tiếp tục theo dõi để thấy được những tác động có lợi tới quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất của chế phẩm này đến cây lúa.

Tuy mới bước vào vụ lúa mùa nhưng kết quả so sánh ban đầu dường như đã đem niềm vui đến sớm với bà con nông dân trên đồng đất Phú Nam An./.

Nguyễn Thị Thúy Hồng - Trạm khuyến nông Chương Mỹ