- Mục tiêu chung
Khống chế bệnh Dại trên đàn chó nuôi và trên người nhằm loại trừ bệnh Dại trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch
- 100% UBND các cấp từ quận, huyện, thị xã, đến xã, phường, thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh Dại.
- 100% các cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y tại các địa phương trên địa bàn Thành phố thực hiện việc kiểm kê, tổng hợp báo cáo bệnh Dại theo đúng quy định.
- 100% cán bộ Thú y từ Thành phố đến cơ sở được tập huấn về chuyên môn để nắm vững kiến thức, kỹ năng trong giám sát, xử lý dịch bệnh Dại.
- Trên 90% đàn chó, mèo trong diện tiêm phòng trên địa bàn Thành phố được tiêm phòng vắc xin Dại.
- Phấn đấu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại tại 12 quận, nơi tập trung đông dân cư, khách du lịch.
- Trên 90% chủ nuôi chó, mèo được trang bị kiến thức hiểu biết và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống bệnh Dại.
- Giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời dịch bệnh; giảm số ca mắc và tử vong do bệnh Dại trên người.
- Nội dung Kế hoạch
Kế hoạch tập trung vào 8 nhóm nội dung sau:
- Quy định về quản lý chó, mèo nuôi: quy định việc nuôi chó và lập sổ quản lý chó nuôi; quy định về việc bắt giữ chó thả rông.
- Phòng bệnh Dại cho chó, mèo bằng vắcxin: tiêm phòng vắc xin dại trên phạm vi toàn Thành phố; đảm bảo trên 90% chó, mèo được tiêm phòng
- Điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm cho người: Ngân sách hỗ trợ vắc xin miễn phí cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hay tiêm vắc xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như cán bộ làm các công việc lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, tiêm vắc xin dại cho chó
- Công tác tuyên truyền, tập huấn: truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; các biện pháp phòng, chống, kinh nghiệm về quản lý chó, mèo; tuyên truyền ngày thế giới phòng bệnh dại….
- Nâng cao năng lực của hệ thống giám sát: Giám sát lâm sàng là chủ yếu với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư và cấp Trưởng thôn, nhân viên thú y, nhân viên y tế; lấy mẫu xét nghiệm đối với chó có dấu hiệu mắc bệnh Dại, bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng là nghi mắc bệnh Dại; lập bản đồ phân bố đàn chó, bản đồ dịch tễ bệnh Dại…
- Điều tra và xử lý ổ dịch: Điều tra, xử lý các ổ dịch bệnh Dại trên người và động vật theo hướng dẫn của ngành thú y và y tế; tổ chức bắt giữ chó có dấu hiệu nghi mắc bệnh, mắc bệnh Dại và chó thả rông trong vùng có ổ dịch Dại để xử lý.
- Kiểm dịch và Kiểm soát vận chuyển chó, mèo: Thực hiện kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lưu thông chó, mèo…
- Xây dựng vùng an toàn bệnh Dại: Từ nay đến năm 2021, các quận trung tâm Thành phố phấn đấu xây dựng xong vùng an toàn dịch bệnh Dại. Tổ chức tiêm phòng và đeo thẻ (vòng cổ có thẻ nhựa hoặc kim loại) cho chó, mèo được tiêm phòng vắc-xin.
Trong đó, Ngân sách Thành phố hỗ trợ: Vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo tại các huyện, thị xã (trừ chó mèo thương phẩm); vắc xin điều trị dự phòng cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hay tiêm vắc xin miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như cán bộ làm các công việc lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, tiêm vắc xin dại cho chó; công tác quản lý đàn chó; xét nghiệm bệnh Dại; giám sát dịch bệnh; hướng dẫn việc tổ chức triển khai xây dựng vùng an toàn bệnh dại; tuyên truyền, tập huấn, đào tạo kỹ thuật tuyến Thành phố. Ngân sách cấp huyện, xã: đảm bảo kinh phí cho các hoạt động về tuyên truyền, tập huấn, quản lý đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng, tiêu độc khử trùng; xây dựng vùng an toàn dịch và các hoạt động liên quan đến công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn./.
Nguyễn Thu Phương