Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển dược liệu hữu cơ dưới chân núi Langbiang

Từ niềm đam mê và tâm huyết với nông sản hữu cơ, chị Lê Thị Thu Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Hiếu Linh đã cùng “team” của mình, tạo nên một vùng Thung lũng Khát vọng xanh, sản xuất rau, củ, quả hữu cơ, đặc biệt là sản phẩm dược liệu hữu cơ dưới chân núi Langbiang và chế biến ra những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng.



 Với kinh nghiệm hơn 10 năm liên kết với nông dân tại TP. Đà Lạt để sản xuất rau VietGAP. Sau khi được giao lưu, tiếp xúc với người sản xuất cũng như người tiêu dùng, chị Lê Thị Thu Hậu nhận thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất bền vững, mang lại sức khỏe cho mình và mọi người thì tại sao mình không làm? Từ đó, chị Hậu bắt đầu tìm tòi, học hỏi, làm sao để sản xuất ra sản phẩm hữu cơ cho bằng được. Năm 2017, chị Hậu cùng với một người bạn đồng hành, tìm đến vùng đất tại thôn Đăng Lèn, thị trấn Lạc Dương - nơi đây giáp với rừng thông xanh mát, có nguồn nước sạch, tự chảy từ trên ngọn núi Langbiang xuống, cùng với khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi nên chị và người bạn của mình quyết định mua đất ở đây để sản xuất rau, củ, quả hữu cơ và phát triển cây dược liệu theo ước vọng của mình.

Farm (nông trại) của chị Hậu trồng các loại rau, dược liệu ngoài trời thuận tự nhiên và không dùng bất cứ loại phân bón hóa học hay loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Từ công đoạn chuẩn bị đất, farm của chị Hậu tuân thủ thời gian phơi nắng đất để hạn chế nhiễm khuẩn, khử độc và xử lý đất bằng chế phẩm KBM; đến nguồn nước sạch được lấy từ tự nhiên cách xa khu dân cư. Vì trồng hữu cơ nên farm trồng nhiều loại rau luân canh, xen canh để duy trì sự cân bằng trong hệ sinh thái trong canh tác. Cũng chính vì vậy, rau được thu hoạch hàng ngày và tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, để rau giữ nguyên hương vị tự nhiên hướng đến bữa ăn xanh cho người tiêu dùng. Chị Hậu cho biết, thời điểm mới vào đây canh tác hữu cơ, chị trồng cà rốt, dưa pepino và rau tía tô. Nhận thấy canh tác hữu cơ phù hợp với những loại cây dược liệu phổ biến như tía tô, hương nhu và chị đã mạnh dạn trồng thêm cây bồ công anh bởi qua tìm hiểu thấy loại cây này có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe.

Hiện trên vườn, chị Hậu đang trồng thử nghiệm, phát triển mạnh cây dược liệu để phát triển theo Đề án dược liệu của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030. Với diện tích gần 1ha, chị trồng 3.000m2 cây bồ công anh vàng và tím, 3.000m2 cây hương thảo, còn lại là tía tô, bạc hà, cần tây, cà rốt, củ dền, các loại rau (củ cải, cải xoăn, cải bẹ, cải cầu vồng, xà lách)… Vừa vặt lá bồ công anh, chị Hậu chia sẻ: “Đây là loại cây mới của farm, cuối năm 2021, chị nhập hạt giống từ Mỹ, sau đó được ươm thành cây rồi mới trồng, sau khoảng 4 tháng trồng cây bắt đầu cho thu hoạch. Bồ công anh vốn là loại cây mọc dại nên chăm sóc khá dễ, mình lại trồng hữu cơ nên thuận theo sự phát triển tự nhiên. Không như các loại cây khác, bồ công anh có thể thu từ từ như khi cây non hái lá để ăn lẩu, ép nước, già hơn cắt sấy khô làm trà. Với 3.000m2 bồ công anh vàng và tím, mỗi ngày cho thu hoạch 45kg lá tươi (tương đương 3kg lá khô), thời gian thu hoạch hơn 08 tháng thì sau mỗi vụ cho thu hoạch gần 1 tấn trà túi lọc và cao bồ công anh để cung cấp ra thị trường. Loại dược liệu này rất tốt cho sức khỏe nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện giá 1 gói trà bồ công anh túi lọc (50 túi) bán lẻ ra thị trường 150.000 đồng, sản phẩm bồ công anh của farm không đủ cung cấp cho thị trường”. So với bồ công anh vàng, bồ công anh tím không đạt năng suất bằng nhưng dược tính của bồ công anh tím được đánh giá cao hơn. Cây bồ công anh thu hoạch cả thân, lá, rễ làm trà túi lọc và cao như cây atiso.

 Với diện tích gần 01 ha, trung bình mỗi tháng farm của chị cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn nông sản hữu cơ, mỗi năm cung cấp khoảng 12 - 15 tấn sản phẩm hữu cơ như bồ công anh, tía tô, cà rốt, củ dền, rau các loại… Theo chị Hậu, làm hữu cơ không lãi nhiều như trồng hoa nhưng đổi lại là có sự ổn định, sau khi trừ mọi chi phí mang lại thu nhập cho gia đình chị trung bình 300 - 400 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ ổn định về kinh tế, làm hữu cơ còn mang lại giá trị cho xã hội và môi trường. Trên vườn từ đất, nước đạt chất lượng, không còn tồn dư hóa học trong đất do từ khi vào mua đất ở đây để canh tác, chị đã quyết tâm sản xuất theo nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, xử lý, giải độc đất bằng chế phẩm KBM (sản phẩm của Hàn Quốc) được nuôi từ mật mía đường, cấy vi sinh vật vào trong đất làm cho đất tơi xốp, giải độc đất. Phân bón chủ yếu được dùng trên vườn là phân gà hữu cơ của Nhật. Phòng trị bệnh cho cây trồng bằng “cây Neem Ninh Thuận” có vị đắng để rải trên luống trồng, hạn chế rất hiệu quả ốc, nhớt phá hoại và “giã ớt, tỏi” để phun phòng trừ sâu bệnh, do đó trên vườn xuất hiện rất ít sâu bệnh hại cây trồng cùng với trồng dược liệu như cây hương thảo có quanh vườn nên hầu như không phải phun thêm thuốc sinh học hay hóa học độc hại nào.

Thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ chính từ nông trại của chị là cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ khắp cả nước (đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây), OCOP Lạc Dương, HTX Nông nghiệp tổng hợp Sunfood, Công ty Cổ phần công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt - địa chỉ tiêu thụ sản phẩm nông sản “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của địa phương. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trà túi lọc bồ công anh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng và thị trường trong nước nói chung khá lớn, Công ty TNHH Nông sản Hiếu Linh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng loại cây này, bên cạnh đó cũng đã liên kết với “team” của mình và một số nông hộ trong vùng để hỗ trợ cung cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu để sản xuất và từ đó từng bước đưa chuỗi sản xuất vào quy trình ổn định.

Việc trồng thành công và chế biến những sản phẩm từ cây bồ công anh của Công ty TNHH Nông sản Hiếu Linh sẽ giúp nông dân trên địa bàn có thêm một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là canh tác theo hướng hữu cơ và hữu cơ sẽ tạo thói quen cho nông dân trong việc không sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật, qua đó góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến nền nông nghiệp sạch, bền vững. Sắp tới, Công ty TNHH Nông sản Hiếu Linh sẽ cùng “team” của mình trong vùng Thung lũng Khát vọng xanh với diện tích hơn 7ha - liên kết để phát triển mạnh sản xuất cây dược liệu, đầu tư mạnh khâu chế biến (bồ công anh để làm trà túi lọc và cao, ươm và phát triển 10.000 cây hương thảo để chiết xuất ra tinh dầu, trồng tía tô chiết xuất để đắp mặt nạ) để cung cấp ra thị trường, tạo ra quy trình canh tác theo tiêu chuẩn tuần hoàn khép kín từ khâu ươm giống đến khâu chăm sóc và thu hoạch đưa vào sơ chế, chế biến, đóng gói tiêu thụ; đồng thời phát triển đa dạng các sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ, trở thành điểm đến không chỉ của nông dân địa phương mà còn có các chuyên gia nông nghiệp khảo sát, sinh viên cũng như khách du lịch đến tham quan, học tập trải nghiệm và du lịch sinh thái trong thời gian tới.

Trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng sẽ hỗ trợ Công ty TNHH Nông sản Hiếu Linh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và hỗ trợ xúc tiến thương mại về các sản phẩm dược liệu tại các tỉnh nhằm phát triển, nâng cao diện tích sản xuất, sản lượng sản phẩm hữu cơ, đồng thời giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh./.

Văn Thọ - Trung tâm KN Lâm Đồng