Bắt tay vào vụ mới
Những ngày này, cùng với gieo trồng lúa vụ xuân, nông dân ở các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội tập trung sản xuất rau màu, tái đàn vật nuôi sau Tết. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho biết, sau khi thu hoạch xong lứa bắp cải, su hào, rau các loại phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, nông dân trên địa bàn xã đã bắt tay vào làm đất, xuống giống các loại rau ăn lá, như: Rau cải, mồng tơi, cải cúc… Với diện tích 33,5 ha rau sản xuất theo quy trình VietGAP, trung bình mỗi ngày hợp tác xã đưa gần 14 tấn rau xanh ra thị trường, đáp ứng nhu cầu các bếp ăn tập thể, nhà hàng đã mở cửa trở lại.
Tương tự, tại các huyện: Mê Linh, Thanh Oai, Thường Tín, Chương Mỹ, Đông Anh…, người trồng rau đang tập trung làm đất, xuống giống, chăm sóc, chuẩn bị nguồn rau xanh cung ứng cho người tiêu dùng. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Thị Vĩnh thông tin, dịp Tết vừa qua, sản lượng các loại rau, củ trên địa bàn dồi dào và được thu mua với giá cả ổn định. Nông dân đã chủ động trồng thêm nhiều loại rau ngắn ngày để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân sau Tết. Đến nay, trên địa bàn xã Tân Tiến, người dân đã trồng được 62ha rau màu, đạt 46% kế hoạch, với các giống cây trồng chủ lực: Ngô, khoai, sắn, lạc, đậu, rau các loại.
Cùng với việc sản xuất rau màu, các trang trại chăn nuôi cũng đẩy mạnh việc tái đàn, bảo đảm nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cho thị trường. Ông Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) cho biết, dịp Tết Nguyên đán, trang trại của gia đình đã bán được hơn 10 tấn gà thương phẩm. Thời điểm hiện tại, trang trại đang nuôi gối vụ 1,5 vạn con gà thương phẩm và 8.000 gà bố mẹ để cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng và con giống cho người chăn nuôi sau Tết.
Về tình hình sản xuất rau màu sau Tết, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng thông tin, nông dân đang tập trung thu hoạch nốt rau màu vụ đông để cung ứng cho thị trường; đồng thời, cải tạo, vệ sinh đồng ruộng để xuống giống vụ xuân với tổng diện tích hơn 9.500 ha. Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng, nông dân đang tập trung tái đàn chăn nuôi, với tổng đàn lên tới hơn 41,9 triệu con gia cầm, 1,49 triệu con lợn…
Sản xuất an toàn, bám sát nhu cầu
Thời tiết đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao. Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân cần sản xuất theo hướng an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh và tránh tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến dư thừa nông sản.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, huyện đã xây dựng cơ chế hỗ trợ về nguồn giống, kinh phí cho các mô hình sản xuất chất lượng cao, đưa cây, con giống vào sản xuất ngay trong vụ xuân và định hướng nông dân sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị. Huyện cũng từng bước nâng diện tích sản xuất hữu cơ với các cây trồng chủ lực; mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, trang trại chăn nuôi an toàn; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh..., nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hỗ trợ nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong năm 2024, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương nâng cao năng lực phân tích, dự báo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, từ đó định hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, thành phố tập trung sản xuất cây, con giống; thúc đẩy nông nghiệp xanh, sinh thái, thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm. Mặt khác, bà con nông dân được khuyến cáo thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
“Các địa phương cần hướng dẫn cho người dân sản xuất theo định hướng vùng chuyên canh và công bố công khai quy hoạch các vùng sản xuất công nghệ cao, sản xuất hữu cơ để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Cùng với đó là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, xây dựng mã vùng trồng, vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Hà Nội ở thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu”, ông Tạ Văn Tường lưu ý./.
NB (Theo Báo HNM)