Trong gần 3 thập kỷ qua, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực nuôi biển ở nhiều cấp độ từ trung ương đến địa phương cùng với các dự án hợp tác với các nước có nghề nuôi cá biển phát triển thông qua các tổ chức tài trợ như NORAD (Na Uy), DANIDA (Đan Mạch), ACIAR (Úc), FIRST… cũng đã hỗ trợ tích cực cho sự phát triển công nghệ nuôi cá biển ở Việt Nam. Các kêt quả nghiên cứu liên quan đến công nghệ sản xuất giống nhân tạo, nuôi thương phẩm các đối tượng cá biển, quản lý sức khỏe và môi trường nuôi… đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất góp phần quan trọng thúc đẩy nghề nuôi cá biển phát triển, cụ thể:
Về công nghệ sản xuất giống nhân tạo:
Cho đến trước năm 2000, nguồn giống cá biển phục vụ nghề nuôi của Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào khai thác cá giống tự nhiên và nhập khẩu. Nhờ những kết qủa nghiên cứu về sinh sản nhân tạo, đến nay Việt Nam đã thành công trong sản xuất giống hơn 20 loài cá biển, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao, đóng vai trò chủ lực như cá chẽm (Lates calcarfer), cá chim vây dài (T.blocchi), cá giò (Rachycentron canadum), các loài cá song (Epinephelus spp), cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus)… Một số loài cá biển mới, có tiềm năng cho phát triển nuôi biển cũng đã được nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công như cá nhụ 4 râu, cá song vua, cá song lai, cá rô biển... nên đã phần nào đáp ứng được nhu cầu giống nuôi, giảm hẳn sự phụ thuộc vào nguồn giống khai thác từ tự nhiên vốn gắn liền với nguy cơ về suy giảm nguồn lợi cá giống trong tự nhiên và lan truyền dịch bệnh.
Các trại sản xuất, ương cá theo hình thức thâm canh hầu hết đã sản xuất được thức ăn tươi sống đảm bảo về số lượng, chất lượng cho ấu trùng cá biển. Lưu giữ và sản xuất sinh khối với mật độ cao một cách chủ động nhiều loài làm thức ăn tươi sống. Một số loài thức ăn tươi sống cho cá biển gồm: Vi tảo (Nonochloropsis oculata, Isochloropsis galbana, Tetraselmis sp), luân trùng dòng nhỏ (Branchionus rotundiformis), artemia, copepod… Các loài thức ăn này giúp tăng tỷ lệ sống và giảm tỷ lệ dị hình cho cá biển giống.
Về công nghệ nuôi cá biển:
Song song với thành công trong sản xuất giống các đối tượng cá nuôi biển, nhiều quy trình công nghệ nuôi thương phẩm các loài cá biển trong lồng trên biển, trong ao nước lợ cũng đã được nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn góp phần phát triển nghề nuôi cá biển ở nước ta trong những năm vừa qua, cụ thể:
Hệ thống nuôi biển quy mô công nghiệp: Là hệ thống lồng tròn được sản xuất bằng vật liệu nhựa chịu lực HDPE có thể tích mỗi lồng nuôi từ 1.200 - 3.000 m3, tùy thuộc vào quy mô và khả năng vận hành. Các lồng nuôi được kết nối ở dạng neo giàn với mỗi neo nặng 3 - 4 tấn. Hệ thống lồng này có khả năng chịu được bão gió cấp 12. Hệ thống lồng nuôi công nghiệp cho phép triển khai nuôi ở những vùng biển xa bờ, hải đảo, nơi có độ sâu và tốc độ trao đổi nước tốt. Nhờ đó có thể giảm thiểu rủi ro hoạt động nuôi, hạn chế được nguy cơ ô nhiễm, đồng thời tránh được xung đột với các lợi ích khác như giao thông vận tải thủy, du lịch, khu bảo tồn biển ở những vùng vịnh kín sóng gió. Đến nay, việc chủ động về công nghệ sản xuất lồng nhựa HDPE với nguồn nguyên liệu chủ yếu trong nước cũng giúp người nuôi biển trong nước chủ động được vật liệu, công nghệ, giảm phụ thuộc từ nước ngoài từ đó giúp giảm chi phí sản xuất.
Mô hình trang trại nuôi cá biển quy mô công nghiệp: Mô hình này được xây dựng, vận hành theo công nghệ của Na Uy và có thể sản xuất được 150 - 200 tấn cá với năng suất đạt từ 12 -15 kg/m3. Mô hình này cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình nuôi nhỏ lẻ (thể hiện qua tỉ suất lợi nhuận trên chi phí đầu tư). Quy trình vận hành mô hình nuôi sử dụng hệ thống thiết bị đồng bộ, mức độ cơ giới hóa cao. Sử dụng tàu vận chuyển chuyên dụng có gắn máy cho ăn thuận tiện cho việc quản lý lồng nuôi. Cơ sở hậu cần (nhà bè nổi, nhà tập huấn, kho chứ thức ăn, dụng cụ…) cũng đồng bộ qua đó giám sát được tác động của hoạt động nuôi đối với môi trường. Sản phẩm cá biển của mô hình đạt yêu cầu về các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; được các kênh phân phối như các chợ đầu mối hải sản lớn, hệ thống siêu thị và thị trường quốc tế chấp nhận.
Nghề nuôi cá biển Việt Nam có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển, bên cạnh việc làm chủ công nghệ cốt lõi cho phát triển nuôi biển là sản xuất giống nhân tạo, cùng với thị trường xuất khẩu cá biển của Việt Nam đã mở rộng đến hơn 50 nước trên thế giới, đây là cơ hội lớn cho nghề nuôi cá biển. Tuy nhiên, bên cạnh các điều kiện thuận lợi trên thì vẫn còn những thách thức để phát triển nghề nuôi biển bền vững như quy mô nuôi chủ yếu còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn thiếu thị trường còn hạn chế, chưa có sự liên kết sản xuất theo chuỗi, quản lý quy hoạch chưa chưa theo kịp thực tiễn, sự tham gia của doanh nghiệp chưa nhiều, tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu…
Để giải quyết các thách thức, tận dụng tốt các cơ hội nhằm phát triển bền vững và đưa nghề nuôi cá biển trở thành một ngành chủ lực tạo sản phẩm hàng hóa lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo định hướng “Chiến lược phát triển nuôi biển VN đến năm 2030 và tầm nhìn 2050”, ngoài việc cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ từ chính sách, quản lý, tổ chức sản xuất, phát triển thị trường… thì dưới góc độ khoa học kỹ thuật cần làm tốt một số nội dung, cụ thể:
(1) Sản xuất giống: Nâng cao năng lực cho các đơn vị nghiên cứu sản xuất giống bên cạnh việc xã hội hóa công tác sản xuất giống cá biển. Tăng cường chuyển giao quy trình sản xuất đến các doanh nghiệp, các địa phương có diện tích nuôi biển.
(2) Công nghệ nuôi biển: Đẩy mạnh chuyển giao quy trình công nghệ nuôi biển mới, quy mô công nghiệp cho các doanh nghiệp có hoạt động nuôi biển. Trong đó, đặc biệt là các công nghệ như tự động hóa trong đo đạc các yếu tố môi trường, khâu cho ăn, lập trình quản lý...
(3) Quản lý sức khỏe thủy sản: Sử dụng các chế phẩm probiotics để nâng cao sức đề kháng cho đối tượng nuôi qua đó hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất trong quá tình nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nghiên cứu, sản xuất vacine phòng bệnh cho một số loài cá biển nuôi chủ lực…/.
Minh Trí - TTKN Quảng Ninh