Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều loại hình kinh doanh trái cây: Trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng trên đường phố, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, số lượng các điểm bán hàng nhiều, chủng loại trái cây đa dạng, phong phú từ các vùng miền, quốc gia khác nhau bước đầu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân ... Tuy nhiên, tình trạng sử dụng hóa chất quá liều lượng, hóa chất cấm, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh mục được phép sử dụng nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, kéo dài thời gian sử dụng, tạo ra sản phẩm bắt mắt, tươi lâu, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng ngày càng phổ biến. Mặt khác, thói quen dễ dãi trong mua bán của một bộ phận nhân dân làm mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.



Trước thực trạng trên, việc đưa ra các giải pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm nói chung và tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, văn minh, trật tự đô thị, tạo niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô là rất cần thiết và cấp bách.

  1. Thực trạng hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố

1.1 Hoạt động kinh doanh tại chợ đầu mối

  1. a) Thực trạng: Thành phố Hà Nội hiện có 02 chợ đầu mối và 05 chợ hoạt động với tính chất đầu mối. Trong đó, hoạt động kinh doanh rau, củ, quả, trái cây, nông sản chủ yếu tập trung tại 03 chợ, cụ thể:

- Chợ đầu mối phía Nam chuyên kinh doanh rau, củ, quả, trái cây các loại tại Khu đô thị Đền Lừ, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai. Trái cây bán trong chợ chủ yếu được chuyển về từ các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và các tỉnh phía Nam.

- Chợ đầu mối Minh Khai chuyên kinh doanh rau, củ, quả và thịt gia súc, gia cầm tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm. Trái cây bán trong chợ được chuyển về từ các huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Ba Vì, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn - Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chợ Long Biên tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, là chợ hạng 2 đang hoạt động mang tính chất như chợ đầu mối rau, củ, quả, trái cây. Trái cây bán trong chợ có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài, các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ, chợ đầu mối phía Nam và các tỉnh phía Nam....

  1. b) Hạn chế, tồn tại

- Lượng trái cây vận chuyển từ các nơi khác về không được bố trí đủ vị trí, diện tích để san mạn tại chợ, nên các hộ kinh doanh đã tự ý mở các điểm tập kết, gây mất trật tự, an toàn giao thông xung quanh khu vực chợ mỗi khi nhập hàng.

- Ngoại trừ số lượng ít trái cây có giá trị cao, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, có thương hiệu riêng được bao gói chuyên nghiệp, bảo quản cẩn thận từ khâu thu hoạch đến khâu tiêu thụ tại chợ đầu mối; phần lớn trái cây kinh doanh được chứa đựng, bày bán bởi các dụng cụ (thùng xốp, giấy, gỗ...) sơ sài, thô sơ. Điều này làm giảm giá trị mặt hàng trái cây, tăng nguy cơ lây nhiễm, gây mất ATTP.

- Tuyến vận chuyển trái cây đến chợ đầu mối tiêu thụ chủ yếu là đường bộ, chưa thu hút được nhiều nguồn hàng trái cây nhập khẩu, vận chuyển bằng đường không, đường sắt; điều kiện kết cấu hạ tầng chợ còn sơ sài, lạc hậu, chưa có đủ kho lạnh đáp ứng yêu cầu bảo quản, mặt bằng chật hẹp.

- Chưa có cơ chế quản lý hữu hiệu về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng trái cây kinh doanh tại chợ; năng lực của đơn vị quản lý chợ còn yếu kém; phương thức quản lý lạc hậu; cả chủ thể quản lý và người kinh doanh đều tập trung tìm kiếm lợi nhuận mà chưa quan tâm đến việc tuân thủ các quy định pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, ATTP; chưa bảo đảm duy trì, tuân thủ điều kiện ATTP đối với mặt hàng trái cây kinh doanh; thậm chí còn có các hành vi gian lận nguồn gốc hàng hóa.

- Các chợ đầu mối có tính chất hoạt động thường xuyên, liên tục, cả ngày lẫn đêm, tuy nhiên công tác quản lý nhà nước về: thuế, môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ chưa đáp ứng yêu cầu.

1.2 Hoạt động kinh doanh tại chợ dân sinh

  1. a) Thực trạng

Tại 160 chợ dân sinh của các quận nội thành của Hà Nội, hoạt động kinh doanh trái cây đều là bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng; được bố trí chủ yếu ở phía ngoài cổng chợ hoặc mặt ngoài chợ tiếp giáp với đường giao thông, nhằm tạo thuận lợi cho việc mua bán trái cây.

  1. b) Hạn chế, tồn tại

Ngoài những hạn chế tương tự như ở chợ đầu mối, hoạt động kinh doanh trái cây tại chợ dân sinh còn những hạn chế, tồn tại sau:

- Đa số các chợ hoạt động lâu năm, kết cấu hạ tầng xuống cấp; một bộ phận chợ chưa phê duyệt nội quy, phương án sắp xếp ngành hàng hoặc các hộ kinh doanh lấn chiếm diện tích chung để bán hàng dẫn đến không đảm bảo môi trường, phòng chống cháy nổ và an toàn thực phẩm.

- Quy mô kinh doanh trái cây nhỏ lẻ; thiết bị, dụng cụ bày bán thô sơ.

- Các hộ kinh doanh trái cây trong chợ dân sinh ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với các cá nhân bán rong, bán dạo trái cây tụ tập trái phép xung quanh khu vực chợ.

- Bên cạnh nguồn cung cấp từ các chợ đầu mối, trái cây tiêu thụ tại các chợ dân sinh còn do chủ kinh doanh quầy hàng thu mua của người trực tiếp trồng trọt, thu hoạch trái cây; do đó công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc trái cây tiêu thụ tại chợ gặp nhiều khó khăn.

1.3. Hoạt động kinh doanh tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh

Các trung tâm thương mại, siêu thị kinh doanh trái cây được bố trí phân khu riêng biệt bày bán sản phẩm với nhiều chủng loại phong phú, có đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo ATTP như: kho, tủ bảo quản, giá, kệ trưng bày trái cây. Người quản lý và người bán hàng định kỳ khám sức khỏe và được cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP. Sản phẩm trái cây có hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

1.4. Hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng trên các tuyến phố, khu dân cư

Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 175 tổ chức và trên 300 cá nhân hoạt động kinh doanh trái cây tại các cửa hàng trên các tuyến phố và khu dân cư trên địa bàn 12 quận của Hà Nội:

- Hình thức kinh doanh: Bán buôn 10 cửa hàng; bán lẻ: 465 cửa hàng, quầy hàng.

- Mức độ đầu tư trang thiết bị phục vụ kinh doanh: Khoảng 30% các cửa hàng có tủ bảo quản trái cây; 50% cửa hàng có giá, kệ bày trái cây; còn lại cơ bản dùng sạp bày bán trái cây; hầu hết các cửa hàng không có biển hiệu.

- Người bán trái cây cơ bản chưa có đầy đủ kiến thức đảm bảo ATTP trong kinh doanh cũng như bảo quản trái cây....

1.5. Hoạt động kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường

Hiện nay còn tồn tại một số loại hình bày bán trái cây trên vỉa hè, dưới lòng đường, trên xe máy, xe đạp hoặc tại các khu đất công (dưới dạng các gian hàng lợp tạm, dựng ô tạm)...Hoạt động này đang là kênh phân phối đáp ứng được nhu cầu “tiện lợi” cho người tiêu dùng; tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động ở các tỉnh về Hà Nội. Tuy nhiên, do không có điều kiện bảo quản nên các loại trái cây này thường được sử dụng các hóa chất cấm để duy trì độ tươi lâu, ít bị thối... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là loại hình kinh doanh vi phạm các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, quản lý trật tự đô thị và ATTP.

  1. Thực trạng công tác quản lý hoạt động kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố

- Sở Nông nghiệp & PTNT quản lý hoạt động kinh doanh trái cây tại chợ đầu mối và tại các cửa hàng chuyên doanh trên địa bàn (trừ chợ dân sinh). Sở Công Thương quản lý hoạt động kinh doanh trái cây tại siêu thị, trung tâm thương mại và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó có trái cây (bao gồm cả sơ chế trái cây) và các doanh nghiệp kinh doanh trái cây trong chợ (trừ chợ đầu mối).

- Trách nhiệm cụ thể của các Sở Nông nghiệp & PTNT, Công Thương; UBND cấp quận, UBND cấp phường thực hiện các nhiệm vụ xác nhận kiến thức ATTP, cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP, xác nhận cam kết đảm bảo ATTP và công tác quản lý, thanh kiểm tra cụ thể đối với hoạt động kinh doanh trái cây.

 

          III. Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý đối với các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố

  1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp tập huấn, phổ biến, vận động thực hiện Đề án và các quy định của pháp luật và Thành phố về quản lý, kinh doanh trái cây.
  2. Tổng hợp danh sách HTX, vùng trồng cây ăn quả tập trung, nắm thực trạng hoạt động trồng trọt, sản lượng trái cây được sản xuất trên địa bàn Hà Nội
  3. Đẩy mạnh công tác xác nhận kiến thức ATTP, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP/cam kết đảm bảo ATTP cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây chuyên doanh do ngành nông nghiệp quản lý
  4. Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại Đề án; kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm ATTP.
  5. Tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trái cây an toàn; khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ trái cây, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hoạt động kinh doanh của các cửa hàng trái cây trên địa bàn Thành phố.

Trên cơ sở giải pháp nêu trên thì Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội xây dựng kế hoạch cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị:

  1. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hà Nội chủ trì, phố hợp với các đơn vị có liên quan:

- Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP thuộc lĩnh vực Nông nghiệp được phân công theo quy định tại Quyết định 16 và Quyết định 2582 của UBND Thành phố: cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/Xác nhận bản cam kết đảm bảo ATTP, Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; Chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở chuyên doanh trái cây do Thành phố cấp đăng ký kinh doanh (trừ cơ sở có sản phẩm xuất khẩu trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu về cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm) và cơ sở do Bộ Nông nghiệp & PTNT phân cấp.

- Tổng hợp, cập nhật danh sách các cửa hàng chuyên doanh kinh doanh trái cây trên các quận nội thành của Thành phố theo phân cấp để theo dõi và quản lý.

- Rà soát, đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/Xác nhận bản cam kết đảm bảo ATTP, Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trái cây thuộc lĩnh vực nông nghiệp theo phân cấp;

- Phối hợp với các sở, ngành, UBND quận và đơn vị liên quan hướng dẫn hỗ trợ các chủ cửa hàng kinh doanh trái cây hoàn thiện các thủ tục, điều kiện kinh doanh đáp ứng các quy định của pháp luật và Thành phố.

- Xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo đảm chất lượng; ATTP trong sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh trái cây thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

- Giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm trái cây tại các chợ đầu mối, cơ sở chuyên doanh thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý.

- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trái cây thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý.

- Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định về đảm bảo ATTP trong sơ chế, chế biến, kinh doanh trái cây; tập huấn kiến thức đảm bảo ATTP cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý;

- Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng và xác nhận chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trái cây an toàn

- Thí điểm xây dựng hệ thống thông tin đảm bảo truy xuất nguồn gốc trái cây được kinh doanh, tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội; khuyến khích ứng dụng mã hình Qrcode để truy xuất nguồn gốc bằng các thiết bị di động; Cấp Biển nhận diện (logo) cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện quy định tại đề ắn; Công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo ATTP được cấp Biển nhận diện, các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định.

- Tăng cường cung cấp thông tin kết nối thị trường các tỉnh, địa phương có thế mạnh về nông sản, trái cây đặc trưng, có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ rang đưa về tiêu thụ tại Hà Nội.

  1. Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành Thanh tra, kiểm tra quá trình sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh trái cây.
  2. Phòng Trồng trọt: Tổng hợp danh sách các HTX, cơ sở, vùng trồng cây ăn quả tập trung, sản lượng trái cây được sản xuất tại Hà Nội.
  3. Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp: Tăng cường công tác phân tích chất lượng, các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sản phẩm trái cây.
  4. Chi cục BVTV chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định về đảm bảo ATTP trong trồng cây ăn quả; tập huấn kiến thức đảm bảo ATTP cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý; Thường xuyên thông tin về các hành vi mới trong sử dụng thuốc BVTV, hóa chất trong quá trình trồng trọt, thu hái và bảo quản để có biện pháp cảnh báo nguy cơ, ngăn chặn, bảo đảm ATTP cho kinh doanh trái cây.

- Xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo đảm chất lượng; ATTP trong sản xuất ban đầu (trồng trọt) cây ăn quả trên địa bàn Hà Nội.

  1. Trung tâm Phát triển Cây trồng: Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho các hộ sản xuất kỹ thuật bảo quản trái cây sau thu hoạch, Hướng dẫn kỹ thuật sơ chế, đóng gói trái cây./.

Nguyễn Bình Minh