Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội

Ngày 11/6/1948, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày".



Công tác thi đua - khen thưởng có vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, là biện pháp để người quản lý thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chính trị của cơ quan, đơn vị mình nhằm khuyến khích, động viên mọi người hăng hái lập thành tích trong lao động, sản xuất và công tác. Mục đích của việc thi đua - khen thưởng là nhằm động viên, giáo dục, nêu gương, để sau khi được biểu dương, khen thưởng, tập thể, cá nhân được khen phát huy tính tích cực trong công việc được giao; người chưa được khen cũng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, cần phải phấn đấu để được ghi nhận trong thời gian tới và đạt được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, địa phương đề ra.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua khen thưởng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”, “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Trong thời gian tới, để mỗi cơ quan, đơn vị thuộc  Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội thật sự phát huy, làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, bên cạnh các giải pháp khác thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng để công tác này thật sự trở thành động lực, đòn bẩy, thúc đẩy việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng và việc nghiên cứu, áp dụng, thực hiện một cách linh hoạt, hợp lý, thiết thực, có hiệu quả các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng đóng một vai trò rất quan trọng.

Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là “đòn bẩy”, kích thích cá nhân, tập thể hăng say hoạt động, phát huy hết tài năng của mình trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện thì cần phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:

  1. Lãnh đạo phải có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong việc xây dựng và phát triển cơ quan, đơn vị

Đây được xem là giải pháp then chốt, quan trọng nhất và mang tính quyết định đến hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng mà các đơn vị cần quán triệt và có biện pháp thực hiện hiệu quả. Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; thi đua, khen thưởng phải đúng, thực chất, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất, không trọng tâm, không đúng đối tượng.

Cấp uỷ chi bộ cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác thi đua khen thưởng; các tổ chức đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên) cần phối hợp vào cuộc một cách quyết liệt để công tác thi đua khen thưởng phát triển đồng bộ, sâu rộng, đạt kết quả và thường xuyên được duy trì; các cơ quan, đơn vị cần xác định công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ chính trị quan trọng; mỗi cán bộ, viên chức cần xác định tư tưởng thi đua, phấn đấu hết mình trong từng nhiệm vụ công tác, nâng cao chất lượng công tác về mọi mặt, hoàn thiện bản thân.

  1. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao.

Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, Lãnh đạo đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên quán triệt và cụ thể hóa các nội dung thi đua gắn liền với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và Thành phố giao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi cá nhân về công tác thi đua khen thưởng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng tới toàn thể cán bộ, viên chức qua đó khơi dậy, cổ vũ tinh thần đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động, tạo động lực cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn.

  1. Kiện toàn, ổn định, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng.

Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng tại đơn vị đảm bảo tính ổn định, lâu dài và có kế thừa. Cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng cần có đủ phẩm chất năng lực, kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác. Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao kiến thức, trình độ cho cán bộ, viên chức chuyên trách về công tác thi đua, khen thưởng để làm tốt công tác tham mưu có hiệu quả. Ngoài ra, đối với người làm công tác thi đua, ngoài yêu cầu nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ thì cần phải có lòng nhiệt tình, trách nhiệm, gần gũi với mọi người, cụ thể, tỉ mỉ trong từng công việc và đặc biệt là năng lực tổ chức để hướng cho mọi người trong tập thể phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

  1. Nâng cao nhận thức, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác thi đua, khen thưởng.

Trong mỗi cơ quan, đơn vị việc nhận thức được trách nhiệm, sự nỗ lực, ý thức của mỗi cán bộ, viên chức đóng một vai trò hết sức quan trọng, bởi nó phát huy được sức mạnh của cả tập thể trong việc phấn đấu, hướng tới mục tiêu chung của đơn vị, đó là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Do đó, đơn vị cần quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong đó chú trọng tuyên truyền Luật Thi đua, khen thưởng, cụ thể hoá văn bản hướng dẫn thi hành thông qua các hình thức phù hợp như tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, sinh hoạt chuyên đề, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác thi đua khen thưởng,.. Qua đó, nhằm làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, viên chức trong đơn vị về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của chính bản thân mình đối với công tác này.

  1. Tích cực, chủ động phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua.

Việc phát hiện, xây dựng, tôn vinh và nhân rộng nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” phải được đặc biệt coi trọng; quan tâm lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời nhằm tạo động lực và đòn bẩy phấn đấu cho các cán bộ, viên chức.

Phát hiện điển hình tiên tiến là việc làm hết sức công phu, đòi hỏi người lãnh đạo đơn vị phải đi sâu, đi sát với phong trào thi đua, tìm hiểu kỹ kinh nghiệm và thành tích của từng tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua. Phải thông qua phong trào thi đua để phát hiện ra những điển hình tiên tiến. Khi điển hình tiên tiến xuất hiện, dù là còn mới, còn nhỏ phải nhanh chóng bồi dưỡng điển hình ngày một hoàn thiện, hoàn chỉnh, trở thành mẫu mực để toàn đơn vị học tập.

Khen thưởng kịp thời đối với các điển hình tiên tiến, việc khen thưởng không nhất thiết phải đến kỳ sơ kết, tổng kết phong trào mới đưa bình xét mà cần tiến hành thường xuyên, vì thực chất của việc khen thưởng có vai trò chủ yếu là động viên tinh thần, làm cho người được khen thưởng phấn khởi, khích lệ và do đó hiệu quả công việc đương nhiên sẽ tốt hơn.

  1. Tổ chức sơ, tổng kết, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua.

Đây là khâu rất quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức thi đua nhằm đánh giá đúng thành tích, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Trong quá trình khen thưởng phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, đảm bảo đúng nguyên tắc và đạt được các yêu cầu: Chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, xây dựng được tinh thần đoàn kết phấn khởi, nêu cao tính tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng người, đúng việc, tránh chủ quan, đơn giản, tranh công, đổ lỗi. Vấn đề mấu chốt trong công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua là đúc rút tìm ra được những kinh nghiệm hay, chọn được tập thể và cá nhân tiên tiến xuất sắc, đồng thời khen thưởng đúng mức để động viên mọi người phấn đấu thực hiện tích cực hơn nữa.

Phát huy tốt vai trò của công tác thi đua, khen thưởng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện./.

                   Nguyễn Văn Hữu - Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy