Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp thông minh kết hợp du lịch sinh thái tại Đà Nẵng

Nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là quá trình sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa canh tác truyền thống và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cùng những phương pháp quản lý hiện đại theo chu trình khép kín. Các chất thải, phế phẩm, phụ phẩm của quá trình sản xuất này lại làm nguyên liệu, đầu vào cho quá trình sản xuất khác để tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất, gia tăng giá trị sử dụng nguyên liệu, góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.



Đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBND xã Hòa Phú lựa chọn Trang trại An Phú Farm tại thôn Hội Phước, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang với tổng diện tích 03 ha để xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, sinh thái tuần hoàn, nông nghiệp thông minh kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm.

Với nguồn đầu tư của nhà nước gần 250 triệu đồng và phần đối ứng của Trang trại An Phú Farm hơn 01 tỷ đồng, mô hình đã triển khai sản xuất 6000 m2 rau ăn lá các loại theo quy trình hữu cơ; 2000 m2 cây ăn quả; nuôi 500 con gà lai Ai Cập theo hướng an toàn sinh học để lấy trứng; xây dựng hầm xử lý chất thải chăn nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp bằng công nghệ vi sinh để tạo ra phân vi sinh phục vụ sản xuất trồng trọt. Ngoài ra, mô hình còn ứng dụng công nghệ tưới nước thông minh, điều khiển qua smart Phone phục vụ sản xuất trồng trọt; sử dụng bẫy côn trùng bằng năng lượng mặt trời… trồng các cây tiểu cảnh, hoa các loại để tạo cảnh quan sinh thái, phục vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn.

Mô hình là tổng thể sự kết hợp của nhiều nội dung, hạng mục có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau; Sản phẩm, đầu ra đều đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; Phế phẩm, chất thải của quá trình sản xuất này là nguyên liệu, đầu vào của quá trình sản xuất khác, với nguyên tắc tuần hoàn, chú trọng sự cân bằng sinh thái, an toàn sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn, hạn chế tối đa việc phát thải ô nhiễm vào môi trường, giúp cân bằng hệ sinh thái tại khu vực sản xuất.

Bố trí bể xử lý chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm nông nghiệp để xử lý triệt để nguồn phân thải của chăn nuôi như gà, bò, dê, cừu... và các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất rau, cây ăn quả và của khách du lịch bằng phương pháp vi sinh, từ đó hạn chế được việc gây mùi hôi từ chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường lại tạo ra lượng phân vi sinh chất lượng để phục vụ lại cho việc sản xuất rau, cây ăn quả và trồng hoa tạo cảnh quan tại mô hình. Việc bố trí như vậy sẽ tạo thành một vòng tuần hoàn trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu suất khai thác, sử dụng nguồn nguyên vật liệu trong chăn nuôi, trồng trọt tại trang trại.

Khu vực sản xuất rau ăn lá được thực hiện theo quy trình hữu cơ, sử dụng nguồn giống rau chất lượng, xuất xứ rõ ràng, sử dụng phân hữu cơ, vi sinh và xử lý sâu bệnh hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, sinh học, bẫy bã... để tạo ra sản phẩm rau chất lượng, có chứng nhận hữu cơ để tăng giá trị sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng.

Nuôi gà lấy trứng theo hướng an toàn sinh học, nguồn thức ăn một phần sử dụng sản phẩm từ trồng trọt như bắp, chuối, cám gạo..., ngoài ra, chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học để xử lý phân thải của gà, đưa vào bể xử lý chất thải, tạo ra nguồn phân vi sinh phục vụ lại cho trồng rau, cây ăn quả.

Bên cạnh đó, Trung tâm kết hợp trồng một số cây hoa, tiểu cảnh để tạo cảnh quan, sinh thái tại mô hình, vừa  là nơi cư trú của các loại côn trùng có lợi, vừa trang trí tạo không gian, thư giãn tại mô hình.

Ngoài ra, tại mô hình đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phục vụ sản xuất như: công nghệ tưới nước tiết kiệm - tự động, điều khiển qua smatphone để phục vụ sản xuất rau, cây ăn quả sẽ giúp người sản xuất thuận tiện trong việc chăm sóc, tưới nước, tiết kiệm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; Lắp đặt đèn bẫy côn trùng bằng năng lượng mặt trời để tiêu diệt các đối tượng gây hại trong sản xuất rau, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học.

Mô hình đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu về sự kết hợp hài hòa giữa trồng trọt, chăn nuôi... sản xuất theo quy trình hữu cơ, an toàn sinh học, chu trình tuần hoàn, hạn chế việc phát thải ra môi trường, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm an toàn, giá trị cao. Trồng hoa, cây tiểu cảnh, tạo cảnh quan sinh  thái để phục vụ du lịch trải nghiệm, từ đó tạo ra nguồn thu nhập mới từ sản xuất nông nghiệp, đó là từ du lịch, dịch vụ trải nghiệm kết hợp với sản xuất nông nghiệp.

Các sản phẩm nông nghiệp của mô hình được liên kết và phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng thông qua 04 siêu thị, cửa hàng nông sản sạch của chính chủ trang trại tại trung tâm thành phố, nên vấn đề đầu ra của sản phẩm đã được giải quyết ổn định.

Kết quả bước đầu, trang trại đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, sản phẩm rau ăn lá các loại đạt 750 kg/tháng; cây ăn quả 400 kg/tháng và các sản phẩm khác từ chăn nuôi, tổng doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp đạt khoảng 75 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trung bình mỗi tháng mô hình tiếp đón 800 - 1.000 lượt khách du lịch tham quan, trải nghiệm, nguồn thu từ du lịch đạt khoảng 200 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận hàng tháng của trang trại đạt 40 - 50 triệu đồng.

Mô hình nông nghiệp hữu cơ, sinh thái tuần hoàn, nông nghiệp thông minh tại Trang trại An Phú Farm, xã Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng đã trở thành “điểm dừng chân” cho người dân trong, ngoài thành phố đến tham quan học tập./.

Bùi Đức Hạnh - Trung tâm KNNL Đà Nẵng