Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kiểm soát rau an toàn theo mô hình cộng đồng tự quản

Từ năm 2017, Chi cục BVTV Hà Nội triển khai 20 mô hình chuỗi ATTP áp dụng PGS (PGS: Participatory Guarantee System, là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ). Hệ thống này dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan: Người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác.



Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được kiểm tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng) nhằm nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng đối với RAT tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích 1.138,7 ha, trong đó 11 xã phường có diện tích từ 50 ha trở lên, 9 xã phường có diện tích dưới 50 ha. Phổ biến cho cơ sở bộ tài liệu hướng dẫn, danh mục vật tư đầu vào, hướng dẫn hồ sơ ghi chép nhật ký sử dụng thuốc BVTV, biên bản kiểm tra chéo,…

Mỗi chuỗi PGS phân ra các nhóm, các tổ sản xuất rau an toàn tự quản; trung bình 10-20 hộ/nhóm có 5 xã (Nam Hồng, Vân Nội, Cự Khối, Yên Bình, Yên Nghĩa); trung bình 20-30 hộ/nhóm có 7 xã (Thanh Xuân, Đông Xuân, Đặng Xá, Bắc Hồng, Tráng Việt, Văn Đức, Tân Minh); trung bình 50-60 hộ/nhóm có 5 xã (Lĩnh Nam, Viên Sơn, Chúc Sơn, Hương Ngải, Duyên Hà); Trung bình 80-100 hộ/nhóm có 2 xã (Thanh Đa, Tiền Yên); cao nhất 180 hộ/nhóm là xã Hà Hồi - Thường Tín. Mỗi nhóm bầu ra 01 nhóm trưởng, từ các nhóm trưởng bầu ra 01 trưởng liên nhóm phụ trách chung. Các nhóm sản xuất rau an toàn tự quản bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc kiểm soát chất lượng sản  phẩm, hỗ trợ tích cực cho cán bộ kỹ thuật cũng như tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, chỉ đạo các hoạt động của mô hình nhằm đảm bảo ATTP cho sản phẩm thu hoạch.

Chi cục BVTV tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất, lấy mẫu đánh giá chất lượng sản phẩm, kiểm chứng việc thực hiện quy trình sản xuất, phát hiện kịp thời những tồn tại, những vi phạm để khắc phục và để các sản phẩm của chuỗi PGS đảm bảo chất lượng ATTP. Năm 2017, lấy 444 mẫu rau tại 20 mô hình, có 2 mẫu (chiếm 0,4%) vượt mức giới hạn tối đa cho phép về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đến nay kết quả rất khả quan: Đã hình thành 20 chuỗi ATTP áp dụng PGS, các PGS thực hiện đúng qui định, tổ chức phân nhóm, kiểm tra chéo, nông dân thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc BVTV, lòng tin của người tiêu dùng tăng lên gắn liền với truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến hộ. Số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng từ 112 doanh nghiệp lên 208 doanh nghiệp, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ  15 tấn/ngày tăng lên 42 tấn/ngày (như HTX Văn Đức 5 doanh nghiệp tăng lên 10 doanh nghiệp, sản lượng từ 2 tấn tăng lên 10 tấn/ngày, đặc biệt còn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc; HTX NN Đại Lan 5 doanh nghiệp tăng lên 14 doanh nghiệp, sản lượng từ 0,5 tấn tăng lên 2 tấn/ngày; HTX Ba chữ 3 doanh nghiệp tăng lên 7 doanh nghiệp, sản lượng từ 1 tấn tăng lên 13 tấn/ngày,...). Giá cả bán ra ổn định và cao hơn so với ngoài thị trường 1.000-2.000 đồng/kg, tránh được hiện tượng “được mùa rớt giá”. Giá trị sản xuất RAT tại các vùng cao hơn 10-20%.

Sản phẩm của 20 chuỗi được người tiêu dùng tin tưởng. Thu nhập của người sản xuất tăng lên nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS. Vai trò, trách nhiệm tự quản, kiểm tra chéo, kiểm soát đến hộ tăng lên. 

Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cung cấp cho đối tác, hạn chế rủi do khi thị trường biến động về giá cả, kiểm soát được chất lượng sản phẩm./.

 Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội