Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Tháng 6 là tháng đầu mùa mưa bão và các đợt nắng nóng gay gắt chủ yếu tập trung ở tháng này. Trong tháng cũng có khả năng xảy ra nhiều đợt mưa dông mạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh truyền nhễm có điều kiện thuận lợi sinh sôi nảy nở, phát tán nhanh qua không khí, gió, thức ăn nước uống, vật dụng chuồng nuôi như: Tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê, nghé non, bệnh lở mồm long móng,... Trên đàn lợn có thể mắc một số bệnh như bệnh tai xanh, Lở mồm long móng,...



Để chủ động phòng bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi cần áp dụng một số biện pháp sau:

  1. Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin:

 Thực tế những  năm qua cho thấy, đàn gia súc, gia cầm được tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin theo đúng yêu cầu tạo miễn dịch tốt chống lại các dịch bệnh, giảm thiệt hại kinh tế cho các hộ chăn nuôi, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân và cả cộng đồng; Từ ngày 01/3/2024  đến ngày 20/4/2024 UBND các xã, thị trấn đã đồng loạt triển khai, thực hiện Kế hoạch Số 90/KH-UBND ngày 27/02/2024 của UBND huyện Thạch Thất  về  việc tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm trên đại bàn huyện năm 2024.  Để khuyến khích nâng cao tỷ lệ tiêm phòng, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí mua vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc nuôi tại các gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; UBND huyện Thạch Thất hỗ trợ một phần công tiêm phòng cho người trực tiếp tiêm phòng cho gia súc, gia cầm sinh sản như sau:

Đối với đàn lợn: Hỗ trợ vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn; Lở mồm long móng, Tai xanh; đối với Trâu, bò sinh sản hỗ trợ vắc xin: Lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Đối với gia cầm: Gà, vịt, ngan, ngỗng  hỗ trợ vắc xin Cúm, đối với chó, mèo hỗ trợ vắc xin Dại. Người chăn nuôi tự chi trả kinh phí tiêm phòng các bệnh Tụ huyết trùng, Niu cát xơn, Gumboro, Tụ huyết trùng….

  1. Công tác vệ sinh, tiêu độc chuồng trại

Đây là biện pháp đơn giản nên người chăn nuôi chưa quan tâm chú trọng nhưng có tác dụng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển rất hiệu quả. Hai công đoạn cần làm trong vệ sinh chuồng trại là vệ sinh cơ giới và phun thuốc sát trùng. Vệ sinh cơ giới là quét dọn rửa chuồng, khơi thông cống rãnh không để ứ nước đọng, lưu ý khâu này cần được làm hàng ngày. Sau khi vệ sinh cơ giới xong cần phun thuốc sát trùng, một số loại thuốc sát trùng có hiệu quả cao, an toàn như Biocid, Benkocid, HanIodin....Việc phun phòng tốt nhất là phun định kỳ 01 lần/01 tuần, diện tích phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng nuôi. Đối với các hộ còn nuôi ở trong gia đình cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư, tốt nhất có hệ thống biogas để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường công cộng.

Khi thời tiết có thay đổi cần chú ý che chắn chuồng trại, tránh mưa tạt, gió lùa. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao cần lưu ý, chống nắng, chống nóng cho vật nuôi nhất là đối với bê, nghé non khi chăn thả buổi sáng cần đi chăn sớm về sớm, buổi chiều đi chăn muộn về muộn, tránh phơi nắng lâu ngoài trời khi thời tiết nắng nóng.

  1. Chăm sóc và quản lý gia súc, gia cầm

Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn gia súc, gia cầm nhằm nâng cao sức đề kháng phòng, chống lại các tác động bất lợi của thời tiết, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phù hợp với giống, lứa tuổi và mục đích sản xuất của từng loại gia súc, gia cầm.

Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi, đảm bảo vệ sinh thức ăn, nước uống, có thể sử dụng Chloramin-B, T để khử trùng nước đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm. Đảm bảo thường xuyên vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi cho đàn gia súc, gia cầm.

 Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn gia súc, gia cầm như uể oải, ủ rũ, kém ăn; kiểm tra lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ hàng ngày của gia súc, gia cầm để biết được tình trạng sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm.

Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết, không được bán hoặc phát tán gia súc, gia cầm ốm, chết và chất thải của chúng ra môi trường xung quanh. Khai báo ngay với nhân viên chăn nuôi thú y cơ sở, chính quyền địa phương hoặc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh… để được hướng dẫn phòng, chống.

Đối với vật nuôi tái đàn, phải đảm bảo chỉ nhập giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Nhập giống bổ sung cần nuôi cách ly đủ 21 ngày để theo dõi bệnh, đảm bảo giống khỏe mạnh mới cho nhập đàn./.

Vương Thị Chung – Trung tâm DVNN Thạch Thất