Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành Nông nghiệp và PTNT

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường tham dự chủ trì hội nghị.



Tại điểm cầu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội; đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP và lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố. 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: năm 2017, sản xuất nông, lâm và thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Là một năm có nhiều biến động về thời tiết với 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với đó là mưa lớn, lũ ống, lũ quét... xảy ra trên diện rộng ở khắp các vùng miền của cả nước. Tuy nhiên, vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tập trung để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, luôn tìm tòi đưa ra giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với thị trường.

Trong năm 2017, đã có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên hơn 5.600. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt.

Theo Bộ trưởng, năm 2017, toàn ngành Nông nghiệp và PTNT đã vượt khó để đi lên với những thành tựu rất đáng trân trọng: Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra là 2,84%. Trong mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản, Chính phủ đề ra là 32-33 tỷ USD, tuy nhiên, ngành đã đạt con số 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với đó, chương trình xây dựng mục tiêu nông thôn mới đã đạt 2.884 xã, đạt 32,3% - vượt kế hoạch được giao là 31%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%, số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng giảm 23% và thiệt hại do phá rừng, cháy rừng giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm hiện nay, trên phạm vi toàn quốc đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm và thủy sản an toàn.

Những kết quả, dấu ấn ngành Nông nghiệp và PTNT đạt được trong năm 2017 là rất đáng trân trọng, tạo tiền đề cho ngành có những bước đột phá trong những năm tiếp theo. Trong năm 2018, Bộ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo ATTP nhóm thực phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Năm 2018, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu: Phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng sản xuất; đi sâu hơn vào công tác chế biến và cuối cùng là công tác mở rộng thị trường.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong năm qua, ngành nông nghiệp của Thành phố có tốc độ tăng trưởng đạt 2%. Tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản đạt 35,133 tỷ đồng, tăng 2,33% so với năm 2016. Sản lượng các loại nông sản có thị trường thuận lợi đều tăng như: lúa chất lượng cao tăng 27%, rau an toàn tăng 3,3%; thịt hơi các loại tăng 4%, sữa tăng 2%, trứng gia cầm tăng 4,3%, thủy sản tăng 0,9%....

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ trồng trọt, lâm nghiệp đạt 44,4%; chăn nuôi, thủy sản 52,56%; dịch vụ 3,04%. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25-30%; vùng sản xuất rau an toàn giá trị đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả giá trị từ 0,5-01 tỷ/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh giá trị từ 0,5-1,5 tỷ/ha/năm, có nơi đạt 02 tỷ/ha/năm;…

Theo lãnh đạo thành phố, hiện nay, Thành phố đã thực hiện 89 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản như: sử dụng giống mới có năng suất cao, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm ánh sáng; các trang trại nuôi thủy sản sử dụng giống lai, công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường nước; các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; chế biến sâu các sản phẩm thịt, trứng, sữa thành các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm.

Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%, trong đó, đối với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 18%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%. Nhờ phát triển nông nghiệp nên đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2016); Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 2,5%.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố cũng kiến nghị đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT giúp thành phố Hà Nội sớm hoàn thành thủ tục thẩm định Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên các tuyến sông phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội để tháo gỡ khó khăn cho các xã ven đê, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Mong muốn Bộ Nông nghiệp & PTNT rà soát, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế chính sách đủ mạnh để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất, chế biến nông lâm sản, nhất là cơ chế khuyến khích phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, Bộ tiếp tục giúp ngành nông nghiệp Thành phố tham gia các chương trình, dự án của Bộ về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thú y, thủy sản và an toàn thực phẩm theo hướng an toàn sinh học, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh kịp thời của tư lệnh ngành nông nghiệp cũng như toàn hệ thống ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, không được "ngủ quên trên vòng nguyệt quế". Hiện, tái cơ cấu chưa mạnh mẽ, trồng trọt theo thói quen vẫn phổ biến ở nông thôn; Vi phạm trong lâm nghiệp, thủy sản còn lớn; Việc đánh bắt thủy hải sản trái phép dẫn đến bị EU cảnh báo rút thẻ vàng vẫn diễn ra. Tình trạng phá rừng, rừng phòng hộ vẫn tiếp diễn. Năng suất lao động còn thấp kéo theo năng năng suất lao động của đất nước xuống thấp.

Ngoài ra, tình trạng sản xuất nông nghiệp vẫn bị động. Hiện tượng được mùa, mất giá, mất giá được mùa vẫn tiếp diễn; Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và PTNT về đổi mới kinh tế hợp tác còn hạn chế; Thực hiện chuyển đổi theo hình thức HTX còn chậm, kinh tế hộ còn nhỏ lẻ cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế. Một số ngành, địa phương còn lơ là chỉ đạo phát triển nông nghiệp nông thôn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc định hướng, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tạo chuyển biến rõ nét hơn trong cơ cấu nền nông nghiệp, tập trung sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất của người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh: trong thời gian tới, các bộ, ban ngành trung ương và các địa phương cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai nhằm tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. "Cần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế lâm nghiệp. Xây dựng thương hiệu lúa gạo và các sản phẩm nông sản. Nghiên cứu, dự báo thị trường để sản xuất hiệu quả. Chủ động phòng chống ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, để phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn,  càng về sau xây dựng NTM càng khó khăn nhưng chúng ta phải kiên trì, quyết tâm thực hiện"./.

TT (Nguồn Cổng GTĐT Hà Nội)