Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm năm 2017 tại Hà Nội

Năm qua mặc dù có nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết khí hậu bất thường, giá cả thị trường quá nhiều biến động, nhất là thời điểm Quý I/2017 giá thịt lợn giảm sâu chưa từng có trong lịch sử. Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố còn chiếm tỷ lệ cao trên 60 %, song với sự cố gắng nỗ lực của các cấp các ngành, chăn nuôi của Thành phố vẫn tiếp tục phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng. Số lượng đàn gia súc hiện có: Đàn trâu có 25.351 con, tăng 5,8% so với cùng kỳ; đàn bò 129.539 con, giảm 4,5% (trong đó, bò sữa 15.675 con, tăng 1,9%); đàn lợn 1.869 nghìn con, tăng 3,3%; đàn gia cầm 30.014 nghìn con, tăng 3,9% (trong đó, đàn gà 20.465 nghìn con, tăng 5%) so với năm 2016.



Để có được kết quả trên phải kể đến những đóng góp không nhỏ của ngành Thú y trong việc thực hiện những giải pháp đồng bộ từ giám sát dịch bệnh tại cơ sở đến tổ chức tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, quản lý hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

Công tác tiêm phòng triển khai đúng kế hoạch và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Ngoài vắc xin thành phố hỗ trợ, Chi cục Thú y Hà Nội vận động, khuyến cáo người dân tự mua vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả như sau:  Trâu bò: Tổng số đã tiêm 422.369 lượt con (trong đó: vắc xin LMLM: 328.026 lượt con bằng 94,7% so cùng kỳ 2016, đạt 98,8% kế hoạch năm; Tụ huyết trùng: 94.343 lượt con). Lợn: Tổng số đã tiêm 4.868.997 lượt con (trong đó: vắc xin LMLM: 528.383 lượt con bằng 90,1% so cùng kỳ 2016, đạt 99,8% kế hoạch năm; vắc xin Dịch tả lợn: 2174.849 lượt con bằng 80,6 % so cùng kỳ 2016, đạt 72,5% kế hoạch năm; vắc xin Tai xanh: 513.161 lượt con bằng 96,7% cùng kỳ, đạt 99,5% kế hoạch năm; vắc xin Phó thương hàn: 833.941 lượt con; vắc xin Tụ huyết trùng: 649.864 lượt con; vắc xin Đóng dấu: 27.383 lượt con; vắc xin Tụ dấu: 141.416 lượt con). Gia cầm: Tổng số đã tiêm 37.948.899 lượt con (trong đó vắcxin Cúm: 23.888.070 lượt con bằng 96,7% so cùng kỳ năm 2016, đạt 111,8% kế hoạch năm; vắcxin Newcastle: 5.351.622 lượt con; vắcxin Dịch tả vịt: 3.586.279 lượt con; vắcxin Tụ huyết trùng: 1.094.385 lượt con; vắcxin Gumboro: 4.028.543 lượt con). Chó mèo: vắc xin dại 389.859 lượt con bằng 95,9% cùng kỳ 2016; đạt 91,1% KH năm 2017.

Năm 2017, Chi cục Thú y Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức 06 đợt Vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn Thành phố với tổng diện tích phun: 270.000.000 m2. Tổng số hóa chất đã cấp: 205.300 (lít, kg). Bên cạnh đó, UBND quận, huyện, thị xã hỗ trợ: 1.230 tấn vôi bột và  khoảng gần 1,4 tỷ đồng.

Hoạt động kiểm soát giết mổ, năm 2017 đã tạo được nhiều điểm nhấn đó là sự vào cuộc của các cấp chính quyền thực hiện việc quy hoạch giết mổ và hình thành các khu giết mổ tập trung.

Trên địa bàn Thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, Trong đó: Được kiểm soát là 128 cơ sở, bao gồm: 07 cơ sở giết mổ công nghiệp (đến thời hiện tại có 4/7 cơ sở hoạt động); 15 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp (đến thời hiện tại có 14/15 cơ sở hoạt động); 02 cơ sở giết mổ thủ công tập trung và 105 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; số còn lại chưa được kiểm soát của các cơ quan thú y, đây là những điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Với thời điểm hiện nay, lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày được cung cấp từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn Thành phố khoảng 435 tấn/ngày; nguồn thịt nhập vào Hà Nội có kiểm soát khoảng 100 tấn/ngày. Như vậy, lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn Thành phố được kiểm soát khoảng 535 tấn/ngày, so với nhu cầu tiêu thụ thịt của Thủ đô, ước tính khoảng 900 tấn/ngày, đáp ứng được 60% nhu cầu tiêu thụ. Còn lại là lượng thịt gia súc, gia cầm được giết mổ tại các hộ, điểm giết mổ nhỏ lẻ và nhập từ các tỉnh khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt hoạt động quản lý an toàn thực phẩm vừa để đảm bảo cho người tiêu dùng, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đã kiểm tra và đánh giá 87 cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP 58 cơ sở. Thực hiện ký cam kết với 39 cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, bảo quản kinh doanh sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm; Lấy 1.746 mẫu nước tiểu, thịt tại các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở chăn nuôi, chợ buôn bán thực phẩm để kiểm tra tồn dư chất tạo nạc, ô nhiễm vi sinh vật. Kết quả không phát hiện mẫu tồn dư chất tạo nạc, 02 mẫu nhiễm Salmolela, 04 mẫu giò sống dương tính với hàn the. Thực hiện thống kê, rà soát các cơ sở chăn nuôi, số lượng đực giống trong đó có 38 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có đăng ký kinh doanh do Thành phố cấp; tổng lợn đực giống 4.778 con; bò đực giống 246 con. Tổ chức hướng dẫn, triển khai, kiểm tra công tác quản lý tinh miễn phí tại các huyện, thị xã, đã nghiệm thu 476.415 liều tinh đạt 99,1% kế hoạch; Các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn có giấy đăng ký kinh doanh do thành phố cấp 99 cơ sở. Kiểm tra, đánh giá phân loại được 44 lượt cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, 13 cơ sở chăn nuôi, lấy 35 mẫu thức ăn chăn nuôi gửi kiểm tra đánh giá chất lượng, các chỉ tiêu an toàn (có 05 mẫu thức ăn của 05 công ty  không đúng với tiêu chuẩn công bố); Thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y cho 74 cơ sở; Cấp chứng chỉ hành nghề 350 cơ sở. Kiểm tra và cấp được 235 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.

Đào tạo tập huấn, tuyên truyền: phối hợp cùng cơ quan Y tế, UBND huyện Thường tín tổ chức diễn tập phòng chống cúm gia cầm tại chợ Hà Vĩ (Thường Tín) với hàng ngàn người tham gia; Tập trung tổ chức, triển khai tập huấn phòng, chống cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác; kiến thức chuyên môn và quản lý nhà nước cho các đối tượng có liên quan với 9.958 người tham dự. Tổ chức xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, kết quả 586/604 bài đạt yêu cầu; Tổ chức ký cam kết không sử dụng chất cấm 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi. Tính từ năm 2016 đến nay các cơ sở đã thực hiện ký cam kết đạt 100%;  Phối hợp Kênh truyền hình VTC16 , Đài truyền hình (VTV24) , Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Đài PTTH Hà Nội, các công ty, dự án Lifsap, Hội nghề nghiệp tổ chức thực hiện nhiều phóng sự, chương trình giới thiệu, hướng dẫn chuyên môn cho người dân  nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức khoa học kỹ thuật để phục vụ sản xuất.

Nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Năm 2017, Chi cục Thú y Hà Nội đã phối hợp cùng Công an Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành, đoàn kiểm tra của Cục Thú y kiểm tra và xử lý những vi phạm trong công tác giết mổ, vệ sinh thú y, an tòa thực phẩm; Trạm Thú y các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh vi phạm trong công tác thú y. Kết quả với tổng số buổi kiểm tra là 4.933 buổi. Số lượt cơ sở được kiểm tra là 18.496 lượt cơ sở, so với năm 2016 số lượt kiểm tra giảm 3,8%; nhưng số lượt cơ sở được kiểm tra cao hơn 18,6%; Tổng số các trường hợp xử lý vi phạm 1.530 trường hợp, tăng  9,4% so với năm 2016.  Xử lý vi phạm cảnh cáo  400 trường hợp; tiêu huỷ 294 trường hợp, phạt tiền 846 trường hợp với tổng số tiền 2.506.720.000 đồng.

Tuy nhiên, năm 2017 công tác phòng chống dịch bệnh cũng gặp không ít khó khăn, tồn tại, hạn chế. Đó là phương thức chăn nuôi của Hà Nội nhỏ lẻ, tận dụng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao tới 60% và di biến động đàn lớn gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch; Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y triển khai vẫn chưa được triệt để, công tác quản lý về an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập; Ý thức chấp hành các quy định của nhà nước của người chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh chưa cao, thủ đoạn của gian thương ngày càng tinh vi làm cho công tác quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn; Một số địa phương chưa thực sự quan tâm tới công tác thú y, hỗ trợ kinh phí chưa kịp thời, chưa đầy đủ, điều kiện làm việc của Thú y cơ sở chưa được đáp ứng nên ảnh hưởng tới tổ chức, triển khai, thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Từ ngày 01/7/2016 Luật Thú y có hiệu lực, dừng kiểm dịch nội tỉnh, do đó rất khó khăn trong công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật. Tháng 01/2017 thông tư 285/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí và lệ phí trong công tác thú y có hiệu lực, việc thu phí trong công tác kiểm dịch bị hạn chế và gặp nhiều khó khăn; Các hộ kinh doanh sản phẩm động vật phần lớn là kinh doanh nhỏ lẻ nên theo phân cấp do xã, phường kiểm tra cấp chứng nhận ATTP. Lực lượng cán bộ chuyên trách về công tác ATTP còn mỏng, hạn chế về chuyên môn nên việc quản lý các cơ sở này gặp nhiều khó khăn.

        Dự báo năm 2018 công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm với nhiều khó khăn do thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng trực tiếp và gây bất lợi đến tình hình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm; Nguy cơ bùng phát dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm rất cao, nhất là trên đàn lợn và đàn gia cầm (tai xanh, lở mồm long móng, cúm, gumboro, dại…); Ngành thú y Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp đó là chủ động tham mưu với lãnh đạo các cấp phê duyệt các kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, chính xác, sát thực tế. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra đôn đốc, tổng hợp báo cáo, đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong lĩnh vực Thú y và An toàn thực phẩm; các chương trình, kế hoạch hành động do Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Thành phố ban hành. Tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của UBND Thành phố, các Sở, Ngành liên quan. UBND các quận, huyện, thị xã. Nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở nhất là mạng lưới thú y xã phường, thôn bản. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện tuyên truyền sâu rộng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền khác để cộng đồng dân cư, người chăn nuôi nhận thức và chấp hành đúng Luật Thú y, An toàn thực phẩm.

 Nguyễn Ngọc Sơn