Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đánh giá thị trường số 20 năm 2021

Đối với mặt hàng lương thực: Với nguồn cung lúa gạo tăng lên khiến giá gạo xuất khẩu đã giảm tại các “vựa lúa gạo” hàng đầu của châu Á trong tuần qua; trong đó giá gạo Thái Lan chạm mức thấp nhất trong 19 tháng, còn giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn khoảng từ 465 - 470 USD/tấn trong phiên ngày 8/7 so với mức từ 470-475 USD/tấn một tuần trước đó. Các  thương nhân cho hay các nhà nhập khẩu gạo đã giảm mua từ Việt Nam do chi phí vận chuyển cao  bởi những hạn chế đi lại liên quan đến dịch COVID-19.

Tại Hà Nội, giá bán lẻ các mặt hàng gạo tuần qua duy trì ổn định như sau: Gạo tám Thái có giá từ 18.000 - 20.000 đ/kg, gạo Điện Biên, Hải Hậu dao động từ 16.000 - 17.000 đ/kg, gạo nếp cái hoa vàng giá dao động từ 26.000 - 28.000 đ/kg. Đậu xanh tách vỏ có giá từ 42.000 - 45.000 đ/kg, đậu đen có giá từ 50.000 - 55.000 đ/kg, lạc nhân vẫn dao động quanh mức từ 55.000 - 60.000 đ/kg,..

Đối với các mặt hàng thực phẩm: Giá lợn hơi có xu hướng giảm mạnh tại hầu khắp các địa phương. Cụ thể, tại Hà Nội giá lợn hơi dao động trong khoảng 58.000 - 60.000 đ/kg. So với thời điểm tháng 5/2020, thị trường ghi nhận giá thịt lợn hơi cao nhất lịch sử, vượt qua mốc 100.000 đ/kg, thì giá mặt hàng này hiện đã giảm khoảng 40.000-45.000 đ/kg.

Theo các chủ trang trại, giá lợn hơi giảm mạnh trong mấy ngày qua do thị trường tiêu thụ chậm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động ăn uống và du lịch bị giới hạn trong khi nguồn cung bảo đảm vì người chăn nuôi dần hồi phục đàn vật nuôi; việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi.

Trước đà giảm giá sâu, trong khi thức ăn chăn nuôi lại tăng mạnh đã đẩy người chăn nuôi vào cảnh khó khăn nhất là các nông hộ. Cục Chăn nuôi cho biết, với giá lợn giống từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/con, cùng với việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán giảm khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Trong khi đó, đối với chăn nuôi trang trại khép kín chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, giết mổ đến phân phối thị trường vẫn tồn tại và có lãi. Mặc dù khó khăn này chỉ là tạm thời, nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng tới quá trình chăn nuôi, làm chậm lại nỗ lực khôi phục đàn lợn.

Đối với các mặt hàng gia cầm: giá vịt hơi bán ra tại các trại ở các vùng Hà Nội dao động từ 50.000 - 54.000 đ/kg, tùy loại. Giá gà công nghiệp loại trên 3,2kg/con phổ biến từ 55.000 – 60.000 đ/kg. Giá gà ta nuôi thả vườn trên 6 tháng bán cho khách tại trại từ 100.000 - 120.000 đ/kg, tùy loại. Giá trứng tiếp tục tăng, trứng gà công nghiệp 2.800 – 3.000 đ/quả tăng 200 đ/quả, trứng vịt 3.200 đồng/quả tăng 200 đ/quả. Theo tiểu thương, gần đây dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến giá các loại trứng gia cầm lại có xu hướng tăng cao. Các loại trứng gia cầm trở thành loại thực phẩm được nhiều người tiêu dùng quan tâm chọn mua trong bối cảnh nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế đến nơi đông người và nhiều người có xu hướng mua thực phẩm một lần sử dụng cho nhiều ngày để giảm tần suất đi chợ và siêu thị nhằm phòng tránh dịch.

Mặt hàng thủy sản tiếp tục giữ giá cả ổn định: cá trắm giá từ 60.000 - 65.000 đ/kg, cá rô phi giá 40.000 - 45.000 đ/kg, cá chép giá 50.000 – 60.000 đ/kg, ngao có giá 18.000- 22.000 đ/kg, cua đồng giá từ 180.000 – 200.000 đ/kg,.../.

TX (TH)