Đối với mặt hàng lương thực: Cục Trồng trọt cho biết, vụ đông xuân 2020-2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Nhờ đó, vụ sản xuất này đã thắng lợi kỷ lục về năng suất, sản lượng, giá trị; lợi nhuận tăng do diện tích giống lúa chất lượng được mở rộng và chi phí sản xuất giảm. Đối với một số mặt hàng gạo trên địa bàn thành phố vẫn duy trì như sau. Gạo tám Thái có giá từ 18.000 – 20.000 đ/kg, gạo Điện Biên, Hải Hậu dao động từ 16.000 - 17.000 đ/kg, gạo nếp cái hoa vàng giá dao động từ 26.000 - 28.000 đ/kg. Đậu xanh tách vỏ có giá từ 42.000 - 45.000 đ/kg, đậu đen có giá từ 55.000 –56.000 đ/kg, lạc nhân vẫn dao động quanh mức từ 55.000 - 60.000 đ/kg,...
Đối với các mặt hàng thực phẩm: Gần 1 tháng nay, giá thịt lợn xuất chuồng tại các trang trại giảm mạnh và đã về đến mức thấp nhất trong vòng hơn một năm qua. Tuy nhiên, giá thịt lợn bán tại các chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích vẫn ở mức cao. Theo khảo sát tại một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố, giá thịt lợn giảm từng ngày, hiện dao động trong khoảng 67.000 - 69.000 đ/kg. Tuy nhiên, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố, giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 130.000-150.000 đ/kg, (trong đó giá thịt nạc vai 140.000-150.000 đ/kg; thịt ba chỉ 150.000 đ/kg; sườn non 150.000 đ/kg). Nguyên nhân, do thịt lợn từ trang trại chăn nuôi đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian nên thời điểm hiện tại, dù nguồn cung đang dồi dào, giá thịt lợn hơi tại các trang trại đang giảm mạnh, nhưng người tiêu dùng vẫn sử dụng thịt lợn với giá cao. Để giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng trở về mức hợp lý, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Nông nghiệp cần hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết gắn với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thu mua lợn trực tiếp từ người chăn nuôi, giết mổ và bán ra thị trường sẽ giảm bớt các khâu trung gian như hiện nay. Cùng với đó là việc kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối, các cơ sở giết mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ có giải pháp phù hợp, bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi, người cung ứng và người tiêu dùng.
Đối với mặt hàng gia cầm: Những ngày nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ vịt, ngan tăng cao nên giá bán lẻ các mặt hàng này tại các chợ dân sinh có xu hướng tăng, gà ta nguyên con làm sẵn có giá bán từ 160.000 – 180.000 đ/kg, vịt nguyên con làm sẵn có giá từ 75.000 – 80.000 đ/kg, ngan nguyên con làm sẵn 85.000 – 90.000 đ/kg. Bên cạnh đó, giá bán lẻ các mặt hàng trứng phổ biến như sau: Trứng gà Ai Cập có giá từ 2.000 – 2.200 đ/quả, trứng vịt có giá từ 2.000 - 2.500 đ/quả, trứng cút giá từ 5.000- 6.000 đ/chục.
Mặt hàng thủy hải sản tươi sống sau thời gian dài giá khá ổn định nay có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu giảm. Hiện nhiều loại thủy sản nuôi nước ngọt như cá rô phi, trắm cỏ, chép,… giảm ít nhất từ 2.000- 5.000 đồng/kg. Cá trắm 65.000 - 70.000 đ/kg, cá rô phi 40.000 - 45.000 đ/kg, cá chép 55.000 – 60.000 đ/kg, ngao giá 18.000- 22.000 đ/kg, cua đồng 180.000 – 200.000 đ/kg,...
Đối với các mặt hàng rau, củ, quả: Tại Hà Nội, nhiều mặt hàng rau củ quả có xu hướng giảm giá nhẹ. Giá rau cải xanh, cải ngọt 14.000 – 16.000 đ/kg, rau mùng tơi, rau muống giá 3.000 – 4.000 đ/kg, giá rau ngót 5.000 - 6.000 đ/kg, mướp hương, bí đao giá 8.000 - 10.000 đ/kg, cà chua có giá 15.000 đ/kg, cà pháo 8.000 -10.000 đ/kg,... Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng trái cây cũng có xu hướng giảm như sau: Dưa hấu giá từ 10.000 – 15.000 đ/kg, mận hậu có giá 10.000 – 15.000 đ/kg, quýt Sài Gòn có giá 40.000 – 45.000 đ/kg, vải thiều có giá từ 25.000 – 30.000 đ/kg,.../.
TX (TH)