Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đánh giá một số chính sách của Trung ương và Thành phố trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Thực trạng giết mổ gia súc, gia cầm đang là vấn đề nóng, được các cấp, các ngành rất quan tâm. Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, Trung ương và Thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trên. Cụ thể:



  1. Các chính sách hiện hành trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm
  2. Chính sách của Trung ương

Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về việc chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn).

  1. Chính sách của thành phố Hà Nội

- Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 về việc ban hành Quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012–2016 (thay thế Quyết định số 77/2009/QĐ-UBND ngày 10/6/2009 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội).

  1. Đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách
  2. Kết quả thực hiện

1.1. Các chính sách của Trung ương

  1. a) Đối với Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ:

Tính đến đầu năm 2018 (trước khi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ hết hiệu lực), trên địa bàn Thành phố chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nào được hưởng hỗ trợ theo Nghị định này do các cơ sở không đáp ứng được các điều kiện quy định tại Nghị định.

  1. b) Đối với Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ:

Nghị định này hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp về đất đai, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở, xây dựng ngoài hàng rào….

Nghị định mới được Chính phủ ban hành ngày 17/4/2018.

1.2. Các chính sách của thành phố Hà Nội

  1. a) Đối với Quyết định số 77/2009/QĐ-UBND ngày 10/6/2009 của UBND Thành phố:

Tính đến năm 2012 (trước khi Quyết định số 77/2009/QĐ-UBND ngày 10/6/2009 của UBND Thành phố hết hiệu lực), Thành phố đã hỗ trợ được các hạng mục sau:

- Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng công trình xử lý chất thải cho 04 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp (do Sở Công thương làm chủ đầu tư): Công ty Cổ phần công nghệ thực phẩm Vinh Anh; Công ty TNHH Minh Hiền; Công ty Cổ phần xuất khẩu thực phẩm Foodex; Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh gia súc, gia cầm (Hapro).

- Đầu tư ngoài hàng rào cho 02 khu giết mổ gia súc, gia cầm: Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở xã Bình Minh, huyện Thanh Oai; Khu giết mổ gia súc tại xã Quang Lãng và Tri Thủy, huyện Phú Xuyên.

Tổng kinh phí ngân sách Thành phố đã hỗ trợ là khoảng 248,742 tỷ đồng. Trong đó: Hệ thống xử lý chất thải: 98,125 tỷ đồng; Đầu tư ngoài hàng rào: 150,617 tỷ đồng.

  1. b) Đối với Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 và Quyết định số 59/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND Thành phố:

Nội dung của Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 về đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được quy định tại Điều 7: Việc hỗ trợ chi phí giết mổ gia súc, gia cầm được áp dụng với các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành; hoạt động có công suất giết mổ từ 20 con trâu, bò, ngựa trở lên; hoặc từ 100 con lợn trở lên; hoặc 500 con gia cầm/ngày trở lên. Mức hỗ trợ: Ngân sách Thành phố hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba.

Trên cơ sở chính sách Thành phố đã ban hành, Sở Nông nghiệp & PTNT đã chủ trì phối hợp Sở Công thương, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan kiểm tra, khảo sát, đánh giá các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Thành phố và trình UBND Thành phố ban hành các quyết định phê duyệt danh sách cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được hưởng chính sách hỗ trợ; phê duyệt định mức chi phí giết mổ gia súc, gia cầm theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội (Quyết định số 6655/QĐ-UBND ngày 04/11/2013 về việc phê duyệt danh sách các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được hưởng chính sách khuyến khích hỗ trợ giết mổ quy định tại Quyết định 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 của UBND Thành phố; Quyết định số 7446/QĐ-UBND ngày 09/12/2013 của UBND Thành phố về việc phê duyệt định mức chi phí giết mổ gia súc, gia cầm theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 7063/QĐ-UBND ngày 11/10/2017 của UBND Thành phố về việc phê duyệt định mức chi phí giết mổ gia súc, gia cầm theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp áp dụng cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo các tiêu chí được hỗ trợ theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012; Quyết định số 59/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND Thành phố; Quyết định số 1429/QĐ-UBND ngày 22/3/2018 của UBND Thành phố về việc phê duyệt danh sách cơ sở giết mổ gia cầm được hưởng chính sách khuyến khích hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 và Quyết định số 59/2016/QĐ-UBND ngày 31/12/2016).

Tính đến nay, đã có 05 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Thành phố được hưởng chính sách hỗ trợ, trong đó 04 cơ sở đã hoàn thành hỗ trợ, 01 cơ sở bắt đầu được hưởng hỗ trợ: Công ty Cổ phần Thương mại Lan Vinh; Cơ sở giết mổ tập trung Luyện Hà; Công ty TNHH Thực phẩm thương mại Thành Lợi; Công ty Cổ phần Thịnh An; Doanh nghiệp tư nhân cơ khí nông nghiệp Nguyễn Hữu Tùy.

Tổng số kinh phí đã hỗ trợ cho 04 cơ sở giết mổ được hưởng chính sách hỗ trợ của Thành phố trong 3 năm (2014-2017) là 25.614.921.000 đồng.

  1. Đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các chính sách

2.1. Mặt đạt được

Việc triển khai thực hiện hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn Thành phố, đăc biệt là việc hỗ trợ chi phí giết mổ gia súc, gia cầm, đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội; Giải quyết một phần khó khăn ban đầu cho các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay (do chi phí đầu tư xây dựng đối với các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung lớn), thông qua chính sách hỗ trợ khuyến khích các cơ sở giết mổ được tập trung quy về một mối, thuận tiện trong quá trình kiểm soát, quản lý góp phần tăng tỷ lệ sản phẩm giết mổ được kiểm soát và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố (từ 12% năm 2012 lên 60% năm 2017), trong đó, 4 cơ sở giết mổ bán công nghiệp được hỗ trợ cung cấp sản lượng thịt chiếm khoảng 45% trong tổng sản phẩm giết mổ được kiểm soát, đồng thời thu hút được các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào giết mổ tập trung; Thúc đẩy các cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp, bán công nghiệp đầu tư cải tạo, nâng cấp tiến tới vận hành tối đa công suất thiết kế, đảm bảo sản phẩm sau giết mổ được kiểm soát; tạo động lực khuyến khích một số cơ sở giết mổ nâng cấp dây chuyền thiết bị… Từ đó, góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020.

2.2. Một số tồn tại, hạn chế

- Việc thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, đặc biệt là giết mổ công nghiệp không cao, cụ thể là có nhiều điều kiện trong các chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ trong lĩnh vục giết mổ còn cao, các doanh nghiệp không đáp ứng được để được hưởng hỗ trợ (Nghị dịnh 210/2013/NĐ-CP không hỗ trợ được cơ sở nào)…

- Đối với Quyết định số 77/2009/QĐ-UBND ngày 10/6/2009 của UBND Thành phố hỗ trợ về tiền thuê đất, chi phí giải phóng mặt bằng trong và ngoài hàng rào, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, xây dựng công trình xử lý chất thải trong hàng rào, tín dụng. Tuy nhiên, đối với việc hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải tại các cơ sở giết mổ công nghiệp, chi phí xử lý nước thải đạt QCVN cao, trong khi hoạt động giết mổ tại các cơ sở này đạt sản lượng thấp, thậm chí một số cơ sở giết mổ đã dừng hoạt động (Foodex, Hapro), hiện nay, chỉ còn 01 công trình xử lý chất thải đang hoạt động (tại Công ty Cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh). Đối với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào còn gặp nhiều khó khăn trong khi triển khai: Công tác giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn thực hiện…

Trên đây là một số đánh giá về việc thực hiện chính sách trên địa bàn Thành phố. Để chính sách trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm triển khai khả thi cần sự chung tay của các cấp, ngành và phải có doanh nghiệp mạnh, đủ tâm và tầm.

Hy vọng Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ sẽ là bước tiến và thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và giết mổ gia súc, gia cầm nói riêng./.

Nguyễn Thu Phương - Phòng Chăn nuôi Sở Nông nghiệp & PTNT