Theo báo cáo tại Hội thảo cho thấy, trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã xây dựng các phần mềm chuyên ngành và tích hợp cơ sở dữ liệu vào kho dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp. Theo đó, đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.533 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm, thủy sản và đã cấp 14.050 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về ATTP lên “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn). Đến nay, đã có 6.236 lượt kiểm tra, đánh giá kiến thức ATTP nông, lâm, thủy sản với 5.596 bài kiểm tra đạt yêu cầu trên phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức ATTP nông, lâm, thủy sản cho đối tượng là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản (tracnghiemattp.chicucquanlychatluongnlsts.hanoi.gov.vn). Năm 2024 đã đăng tải 3.446 bộ hồ sơ tự công bố thực phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản trên phần mềm tự công bố sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên Hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản được duy trì…
Ngoài ra, các đơn vị thuộc Sở đã tham mưu một số các ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu như Phần mềm quản lý, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp thuộc nghiệp vụ Đánh giá thực trạng chất lượng và giải pháp sử dụng bền vững đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; cơ sở dữ liệu về thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội; Bộ cơ sở dữ liệu về môi trường trong sản xuất nông nghiệp...
Hội thảo đã tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng và chia sẻ khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản triển khai hiệu quả hơn. Đồng thời, đưa ra các giải pháp về phát triển công nghệ số trong phát triển nông nghiệp nói chung và công tác quản lý chất lượng, chế biến phát triển thị trường nói riêng nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Tại Hội thảo, phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa đánh giá: Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực ngành nông nghiệp bước đầu đã tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể về chuyển đổi số trong các cơ quan, đón vị, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, nông nghiệp và phát triển nông thôn là một lĩnh vực có nhiều chuyên ngành, nhiều chủ thể, nhiều mức độ năng lực và nhiều nhu cầu khác nhau. Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn trong một quá trình lâu dài mà còn đòi hỏi sự nỗ lực cùng tham gia của tất cả các chủ thể trong chuỗi giá trị. Để thực hiện quá trình chuyển đổi số một cách đồng bộ, thống nhất và đáp ứng được năng lực cũng như nhu cầu của các chủ thể là một thách thức không nhỏ. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn công tác chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, quản lý chất lượng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thúy sản tới các đối tượng quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phát triển và hướng đến đồng bộ các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn./.
Lưu Phượng