Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chương trình “Đưa tết lên bản”: Nhân rộng tấm lòng - kết nối sẻ chia

Những ngày cuối tháng 1 đầy ý nghĩa đã trôi qua và những ngày này càng đặc biệt hơn với những thành viên đã tham gia chương trình “Đưa Tết lên bản” tại bản Sáy Tú, xã Huy Bắc, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Các anh, chị lại trở về với cuộc sống thường nhật, tuy nhiên những dư âm của chuyến đi vẫn còn đọng lại trong tim mỗi người.



Với mong muốn góp một phần nhỏ bé tạo nên cái tết đầm ấm – no đủ nơi những bản làng chìm trong sương giá, được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban lãnh đạo Trung tâm, nhóm Khuyến nông Hà Nội và những người bạn do Công đoàn Trung tâm phối hợp cùng Hội cựu chiến binh Trung tâm và Đoàn thanh niên Trung tâm tổ chức chương trình “Đưa Tết lên bản”, nhằm kết nối những tấm lòng nhân ái, đem những món quà ý nghĩa của các nhà hảo tâm đến tận tay bà con đồng bào dân tộc ít người bản Sáy Tú, xã Huy Bắc, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, là một bản đặc biệt khó khăn trong tổng số 17 bản trên địa bàn xã Huy Bắc. Bản Sáy Tú có 30 hộ dân đều là người dân tộc Mông và 100% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Tết Nguyên đán – Mậu Tuất 2018 đang đến gần, người dân khắp nơi đang náo nức chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy, đoàn viên song đâu đó xung quanh chúng ta vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, ở những huyện miền núi vùng sâu, vùng xa vẫn còn những bản làng heo hắt chìm trong sương giá, cái đói, cái nghèo luôn hiện hữu quẩn quanh. Chương trình “Đưa Tết lên bản” trở thành cầu nối gắn kết và nhân rộng những tấm lòng biết sẻ chia. Bởi vậy chưa đầy  nửa tháng phát động, chương trình đã nhận được sự sẻ chia của đông đảo cán bộ viên chức, người lao động Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và nhiều nhà hảo tâm khác với tổng số tiền gửi về chương trình là 69.350.000 đồng cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt. Chương trình đã lan tỏa và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, từ anh bán vé số, chị thợ may, các cháu học sinh, sinh viên, đến các thầy cô giáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ,… trên địa bàn thành phố Hà Nội và xa hơn nữa từ Thành phố Đà Lạt hơi ấm cũng được lan truyền tiếp sức cùng chương trình. Ngay cả khi chúng tôi trực tiếp đưa quà lên bản Sáy Tú, thì con đường từ UBND xã Huy Bắc lên bản nhấp nhô sỏi đá, vắt vẻo theo sườn núi, nhìn xuống là vực sâu đối với mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi không bao giờ là đơn giản và dễ dàng nếu không nhờ có những người bạn vốn đã quen thuộc với những chuyến thiện nguyện lên vùng cao tây bắc dẫn đường. Không có họ có lẽ chuyến đi của chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã tổ chức rất nhiều chuyến đi thiện nguyện nhưng với họ đó chỉ là góp chút sức nhỏ nhoi. Cái quan trọng là làm sao có nhiều nhóm, nhiều đoàn hơn nữa để mùa đông này thật nhiều em nhỏ miền cao không còn phải co ro với manh áo cộc, mong manh trong giá rét.

Bản Sáy Tú một chiều tràn đầy ánh nắng, thời tiết đã ủng hộ chúng tôi vì theo như ông Vì Bằng Chứng – Phó chủ tịch UBND xã Huy Bắc cho biết: đoạn đường 12km từ UBND xã vào đến bản phải qua 2 con suối nếu gặp mưa bão bản sẽ hoàn toàn bị cô lập vì đây là bản xa nhất xã và chỉ có duy nhất một con đường dẫn vào bản. Đón đoàn chúng tôi có cán bộ xã và toàn bộ hộ dân trong bản từ người già, đến trẻ nhỏ. Nơi đây có những đứa bé đi chân đất, mặt lấm lem, loay hoay tìm cách mở hộp sữa, những đứa trẻ 16 tuổi nhưng đã là mẹ của 2 đứa con nheo nhóc, những cụ già còm cõi,..Mặc dù, giao tiếp giữa các thành viên đoàn với người dân bản đa phần bằng cử chỉ hoặc nhờ cán bộ xã phiên dịch nhưng đều có một tâm trạng chung là vui vẻ, cởi mở và thân tình. Những món quà chương trình trao tặng người dân bản Sáy Tú gồm 1 gói quà với những đồ vật thiết yếu cho tết như chăn ấm, quần áo, gạo nếp, dầu ăn, nước mắm, mì chính, bột canh, cá khô, bánh, kẹo, sữa và mứt tết, cùng tiền mặt trị giá 300.000 đồng/hộ. Mỗi món quà trao tay mang ý nghĩa sẻ chia sâu sắc. Ông Lê Lưu Cầu – Phó giám đốc, chủ tịch công đoàn Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Những món quà đoàn đã trao đến tận tay người dân bản Sáy Tú thể hiện sự quan tâm của cộng đồng, chính sách “ lá lành đùm lá rách” của Đảng, Nhà nước đối với  những người có hoàn cảnh khó khăn. Thành công của Chương trình sẽ là động lực để Công đoàn Trung tâm tiếp tục phối hợp với các Hội đoàn thể và chính quyền địa phương một số xã vùng cao tổ chức các đoàn thiện nguyện để những món quà của sự sẻ chia đến được với nhiều hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa của Tổ Quốc hơn nữa.

Hoa mận trắng cả trườn núi, hoa đào bung nở báo hiệu mùa xuân đang hiện hữu và hơn bao giờ hết, còn rất nhiều những bản làng như bản Sáy Tú rất cần sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng về vật chất cũng như tinh thần để vơi bớt một phần khó khăn trong cuộc sống.

Những ngày cuối năm này, nhiều đoàn thiện nguyện lại rộn rã trên khắp nẻo đường. Họ đi với tinh thần nhiệt huyết, hăng say, chia khó với những cảnh đời còn thiếu thốn vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc. Hành động của họ thắp lên ngọn lửa yêu thương, tạo nên phong trào nhân văn sâu sắc và đáng trân trọng khi ngày Tết Nguyên đán đang đến gần./.

                                                                    Lưu Phượng