Đối với trâu bò một số bệnh thường gặp tại thời điểm này như: Bệnh Tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê nghé non, bệnh lở mồm long móng, bệnh cảm lạnh… Đối với đàn lợn có thể mắc một số bệnh như: bệnh tai xanh, lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu. Ở lợn con hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, Ecoli ... Ở đàn gia cầm hay mắc một số bệnh như: bệnh Gumboro, Newcastle, Tụ huyết trùng, bệnh cúm gia cầm…
Vì vậy để chủ động phòng chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm người chăn nuôi cần áp dụng một số biện pháp sau:
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Định kỳ vệ sinh tiêu độc chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các dung dịch sát trùng như: Virkon, Benkocid, Halamid, Haniodine, ... để loại trừ mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Thường xuyên quét dọn, rửa chuồng trại, khơi thông cống rãnh không để ứ đọng nước. Tận dụng tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi, không xả nước thải chăn nuôi ra ngoài khu dân cư, tốt nhất có hệ thống biogas để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường công cộng.
- Khi thời tiết thay đổi phải che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, nhất là những ngày có gió mùa đông bắc. Những ngày trời mưa phùn, ẩm độ cao cần giữ ấm cho vật nuôi, nhất là đối với gia súc, gia cầm non. Với bê nghé non cho đi chăn thả muộn, cho về sớm.
- Cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống cho vật nuôi. Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin cho gia súc, gia cầm để giúp nâng cao sức đề kháng và ngăn chặn mầm bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra và quan sát đàn vật nuôi, khi phát hiện gia súc có biểu hiện không bình thường như: bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, đi đứng không bình thường... Thì phải tách đàn để theo dõi, kiểm tra để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực…/.
Vương Thị Chung