Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí như: Ban hành một số chính sách, kế hoạch hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí để kiểm soát tốt hơn các nguồn thải. Ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí Thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Xây dựng hệ thống dự báo chất lượng không khí. Triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4,5; thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ; chuẩn bị triển khai thí điểm Vùng phát thải thấp; tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, giám sát các quy định về xử lý khí thải, bụi thải; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình tiên tiến, ban hành Chỉ thị cấm đốt rơm rạ sau thu hoạch, hỗ trợ nông dân mua chế phẩm sinh học, hỗ trợ mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp,…Tuy nhiên, ô nhiễm không khí vẫn là một vấn đề “nóng” của Hà Nội. Nguyên nhân là do chưa kiểm soát tốt các nguồn thải; thiếu dữ liệu; cán bộ chuyên sâu về quản lý môi trường không khí còn quá ít; thiếu sự phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận (tính liên kết vùng),…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, phân tích, làm rõ một số nội dung: Nhận diện các vấn đề môi trường cấp bách của Thủ đô Hà Nội, trọng tâm là xác định các vấn đề về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, xác định cụ thể nguồn gây ô nhiễm; các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, lộ trình cụ thể xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường; các giải pháp về công nghệ, quản lý.
Theo đó, áp dụng các biện pháp như dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, trí tuệ của Hà Nội và các bên hợp tác để chuyển đổi nhanh và mạnh mô hình tăng trưởng sang phát triển xanh, tuần hoàn, cacbon thấp, chống chịu cao, bền vững; trong đó, chú trọng sử dụng các phương tiện giao thông xanh, khu công nghiệp xanh, sản xuất xanh, tuần hoàn; Phát triển hạ tầng đô thị xanh và bền vững cho Thủ đô Hà Nội, làm sống lại các dòng sông, các ao, hồ; …
Bên cạnh đó, xây dựng và áp dụng cách tiếp cận đột phá, đa ngành, đa cấp, đa địa phương dựa trên nền tảng số để cải thiện chất lượng, bảo vệ môi trường. Cần tạo sự đột phá về mặt thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường; tăng cường biện pháp cưỡng chế đối với các cơ sở gây ô nhiễm (thí điểm bổ sung hình phạt các cơ sở gây ô nhiễm tăng lũy tiến theo ngày để tăng tính răn đe). Đồng thời, thành phố xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp, các chương trình hành động với các tỉnh trong Vùng Thủ đô, với các bộ, ngành liên quan về bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường không khí.
Tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống quan trắc tự động theo thời gian thực, dự báo chất lượng môi trường bằng công nghệ hiện đại như: Công nghệ viễn thám, internet vạn vật, công nghệ số, công nghệ AI, Big Data… Đồng thời, triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại trong xử lý ô nhiễm, chất thải tại nguồn, nhất là đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, trang trại chăn nuôi, hoạt động xây dựng; kiên quyết thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để tăng cường tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu khối lượng rác phát sinh…
Phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia về quan trắc, đánh giá, dự báo, giải quyết các vấn đề môi trường; tận dụng lợi thế của Hà Nội về đội ngũ chuyên gia, thí điểm các cơ chế phù hợp để huy động tối đa các nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội tham gia nghiên cứu khoa học, soạn thảo chính sách, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi.
Các vấn đề như ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5; ô nhiễm nguồn nước gồm cả nước mặt lẫn nước ngầm; áp lực từ chất thải rắn hay tác động của biến đổi khí hậu với tình trạng thời tiết cực đoan và hệ sinh thái đô thị đã không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống, sức khỏe cộng đồng mà còn có thể làm giảm khả năng thu hút đầu tư của Hà Nội cũng như sự phát triển bền vững của Thủ đô. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường Thủ đô luôn là vấn đề trọng tâm, được Trung ương và lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm hàng đầu. Điều này được thể hiện trong nhiều văn kiện quan của Trung ương, Thành phố và đã được tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian qua. Gần đây nhất là 3 văn kiện quan trọng, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 và 2 Quy hoạch của Thủ đô mới được phê duyệt. Trong đó, Luật Thủ đô đã nêu cụ thể một số nhiệm vụ cần triển khai về xác định vùng phát thải thấp. Tại Quy hoạch Thủ đô, vấn đề môi trường được đặt lên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong số các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần giải quyết của Thủ đô trong giai đoạn 2025 - 2030./.
Lưu Phượng