Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu đã trình bày những giải pháp chiến lược và công cụ cụ thể, mở ra một tầm nhìn mới cho nông nghiệp Hà Nội. Trọng tâm của các cuộc thảo luận là bộ đôi giải pháp then chốt: Chuyển đổi xanh và Chuyển đổi số.
Về chuyển đổi xanh, các báo cáo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các mô hình canh tác bền vững, nông nghiệp tuần hoàn và hữu cơ. Điển hình là Tiêu chuẩn VietFarm gắn với phát thải thấp, một công cụ không chỉ giúp nâng cao chất lượng và giá trị nông sản mà còn thúc đẩy các thực hành có trách nhiệm với xã hội và môi trường (ESG). Mô hình trồng dược liệu hữu cơ dưới tán rừng của HTX Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sóc Sơn là một minh chứng sống động. Sau 10 năm, HTX không chỉ bảo vệ và làm giàu tài nguyên rừng, tạo sinh kế bền vững cho người dân mà còn đạt được nhiều chứng nhận uy tín, sẵn sàng cho việc áp dụng các tiêu chuẩn phát thải thấp.
Song hành cùng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số được xem là công cụ đắc lực để hiện thực hóa các mục tiêu. Các giải pháp như phần mềm nhật ký đồng ruộng điện tử eGap, kết hợp với Quy trình Đo lường - Báo cáo - Thẩm định (MRV), cho phép nông dân và doanh nghiệp theo dõi, ghi nhận và minh bạch hóa quá trình giảm phát thải. Đây là cơ sở quan trọng để tiến tới việc tham gia thị trường tín chỉ carbon trong tương lai. Bên cạnh đó, các ứng dụng nông nghiệp thông minh như của WeatherPlus cung cấp dịch vụ thời tiết nông vụ chính xác, giúp người dân canh tác hiệu quả và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Hội thảo đã khẳng định, hành trình hướng tới Net-Zero trong nông nghiệp đòi hỏi sự chung tay của bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Với quyết tâm chính trị cao, nền tảng khoa học công nghệ vững chắc và sự đồng lòng của người dân, Hà Nội đang có những cơ hội lớn để đi đầu cả nước trong việc xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, đa giá trị, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và thực sự đáng sống./.
Danh Lãnh