Phát biểu, tham luận tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu cho rằng, phát triển nông nghiệp đa giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, không những tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, hệ thống khuyến nông hiện nay thiếu về nhân lực, nhất là cán bộ khuyến nông cấp cơ sở am hiểu sâu về nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; lĩnh vực hoa - cây cảnh, cá cảnh; chế biến, bảo quản nông sản... Mặt khác, định mức kinh tế kỹ thuật cho cây trồng, vật nuôi, nhất là áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp đô thị chậm cập nhật và ban hành. Cơ chế tài chính áp dụng trong công tác khuyến nông của các tỉnh, thành phố còn nhiều hạn chế; kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông chưa tương xứng với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, mô hình nông nghiệp đô thị như trồng hoa lan, nuôi cá cảnh… hay những mô hình ứng dụng công nghệ mới đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, vốn đầu tư nhiều nhưng chậm thu hồi vốn nên tốc độ phát triển chậm cả về quy mô sản xuất và số hộ tham gia thực hiện.
Để nông nghiệp đa giá trị phát huy hiệu quả, các chuyên gia, đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trong phát triển nông nghiệp đa giá trị như: Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; Xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, tín dụng cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái; hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn và phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với các tiêu chí đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm; Ứng dụng chuyển đổi số, hỗ trợ nông dân tiếp cận thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ…
Tại hội thảo các đại biểu cũng đề nghị, Trung ương cũng như các địa phương tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, thành phố xây dựng mô hình khuyến nông đô thị gắn với công nghệ cao; các chương trình, dự án khuyến nông có quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi; các mô hình mới gắn với nông nghiệp đô thị, mô hình ứng dụng công nghệ 4.0.
Theo ông Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng, để phát triển nông nghiệp đa giá trị, bền vững, các địa phương cần phát triển đội ngũ cán bộ khuyến nông chuyên sâu, kết hợp đào tạo gắn với thực tiễn sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong khuyến nông. Cùng với đó, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; khuyến khích mô hình canh tác bền vững, kết hợp giá trị kinh tế với bảo vệ môi trường và văn hoá địa phương; xây dựng các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng ra thực tiễn./.
Nguyễn Vàn