Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Hiệu quả mô hình cà rốt giống mới CR21.36

Xã Xuân Thọ là địa phương nổi tiếng với các loại nông sản đặc trưng của thành phố Đà Lạt như khoai tây, cà rốt - đây là vùng chuyên canh cà rốt từ hơn nửa thế kỷ nay, với diện tích hơn 120 ha, được trồng chủ yếu tại thôn Lộc Quý và thôn Đa Quý. Đặc tính cây cà rốt ở Xuân Thọ là cà rốt cọng tím, được trồng thuần chuyên canh, nếu luân canh hoặc xen canh với bất kỳ một loại rau, hoa nào khác thì hiệu quả sẽ rất thấp. Bằng cách trồng lứa này vừa lấy củ vừa tạo nguồn giống cho lứa sau, nông dân Xuân Thọ đã chuyên canh cà rốt trồng ngoài trời của vườn nhà mình theo hình thức trồng cuốn chiếu. Nhờ vậy, trên một diện tích đất, mỗi năm trồng được 2,5 - 3 lứa cà rốt và hầu như ngày nào cũng có hộ gia đình nông dân xã Xuân Thọ thu hoạch củ để bán.



Nhận thấy việc nông dân vùng chuyên canh cà rốt để giống từ năm này qua năm khác dễ dẫn đến hiện tượng thoái hóa giống. Từ năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) đóng trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã bắt đầu nghiên cứu phát triển giống cà rốt CR21.36, được chọn lọc từ quần thể giống cà rốt thụ phấn tự do bằng phương pháp chọn lọc quần thể trong điều kiện cách ly, thụ phấn bằng ong. Giống CR21.36 được chọn lọc với nhiều đặc tính vượt trội so với quần thể ban đầu. Sau đó, giống được tiến hành khảo nghiệm diện hẹp năm 2022, 2023 và năm 2024 tại Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Lắk.

Theo ông Nguyễn Thế Nhuận - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa (đại diện nhóm tác giả thực hiện Dự án cà rốt giống mới CR21.36) đánh giá: Qua khảo nghiệm, giống cà rốt CR21.36 sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, năng suất cao, ổn định, trung bình đạt từ 45 - 50 tấn/ha, giống có khả năng chống chịu bệnh đốm vòng và cháy lá tốt. Hình dạng củ đồng đều, thuôn, lõi nhỏ, củ có màu cam đậm, đẹp, đồng đều giữa màu sắc lõi và màu sắc thịt củ, độ brix trung bình đạt 8,5 - 9,5%. Giống được người dân và thị trường rất ưa chuộng.

Từ giống cà rốt bản địa tại địa phương, qua chọn lọc đã phát triển thành công giống CR21.36 với hương vị đặc trưng, có mùi thơm, độ giòn cao so với các giống cà rốt nhập nội. Ông Nguyễn Đức Bình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ cho biết, giống CR21.36 có năng suất cao, ổn định, phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng Đà Lạt, Lâm Đồng, đặc biệt là tại các xã Xuân Thọ, Xuân Trường (thành phố Đà Lạt). Giống đã được Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp chứng nhận hồ sơ tự công bố lưu hành của Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa và được đăng tải trên hệ thống Website của Cục Trồng trọt và BVTV. Đầu năm 2025, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa đã phối hợp với một số nông hộ tại thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ xây dựng mô hình điểm trình diễn giống mới với quy mô 02 ha. Với mật độ trồng 20 - 22 kg hạt/ha, tỉa định vị cây đảm bảo khoảng cách 12 x 12cm. Giống cà rốt CR21.36 sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh. Sau 100 - 105 ngày gieo trồng là có thể cho thu hoạch với năng suất đạt 45 - 50 tấn/ha, hình dạng củ đẹp, ít bị chẻ, được thị trường ưa chuộng, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng giống cũ từ 18 - 25% (năng suất trung bình giống cũ 35 - 40 tấn/ha).

Từ thành công của mô hình trình diễn giống cà rốt mới CR21.36 tại xã Xuân Thọ, dự kiến trong thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa mỗi năm sẽ tổ chức sản xuất khoảng 150 - 200 kg hạt giống cà rốt CR21.36 để cung cấp cho người dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận để phát triển và nhân rộng hiệu quả của loại giống này… Qua đó, giúp nông dân trồng cà rốt tại xã Xuân Thọ nâng cao được thương hiệu sản phẩm “cà rốt Đà Lạt”, xây dựng được chứng nhận OCOP cho sản phẩm cà rốt cọng tím đặc trưng của Xuân Thọ, phát triển được thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” tại địa phương./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng