Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tính từ đầu năm đến ngày 6/4/2025, cả nước đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 14/63 tỉnh, thành phố. Cùng với đó, Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) cập nhật đến ngày 17/4/2025 cho thấy, bệnh dại ở động vật đã xảy ra 69 ổ dịch tại 66 xã, thuộc 48 huyện của 24 tỉnh, thành phố.
Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã ghi nhận 3 ổ dịch dại xảy ra tại 3 xã/phường của 2 huyện, thị xã là Sóc Sơn và Sơn Tây.
Trước diễn biến phức tạp về tình hình bệnh dại, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền các cấp tổ chức, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm phòng, chống bệnh dại:
Tổ chức tiêm phòng dại bắt buộc cho đàn chó, mèo trên địa bàn toàn Thành phố: Việc tiêm phòng vắc xin dại cho chó mèo không chỉ bảo vệ sức khỏe của vật nuôi mà còn là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Năm 2025, Hà Nội phấn đấu và giao tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó mèo phải đạt 97% tổng đàn (diện tiêm)/01 lượt/năm. Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả, các địa phương tập trung rà soát, thống kê chính xác tổng đàn chó, mèo, xây dựng kế hoạch tiêm cụ thể theo từng địa bàn dân cư. Đối với 18 huyện, thị xã, ngân sách Thành phố hỗ trợ 355.560 liều vacxin dại cho đàn chó, mèo; trên địa bàn các quận, UBND quận chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cung ứng đầy đủ, kịp thời vacxin dại và người dân có trách nhiệm chi trả kinh phí.
Tổ chức tập huấn, tuyên truyền sâu rộng tới người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng tránh và trách nhiệm trong quản lý vật nuôi. Các hình thức tuyên truyền đa dạng qua hệ thống loa truyền thanh, pano, áp phích,... Năm 2025, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện: Gia Lâm, Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ tổ chức 70 lớp tập huấn cho gần 9.000 người là lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác mặt trận, Bí thư Chi đoàn thanh niên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, đại diện hộ chăn nuôi chó, mèo tại các xã, thị trấn... Bên cạnh đó, Chi cục chủ động phối hợp cùng cơ quan truyền thông của Trung ương, Thành phố thường xuyên thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống bệnh dại, chủ động phát hiện, ứng phó nhanh khi dịch bệnh phát sinh, trách nhiệm của chủ vật nuôi…
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại: Đến nay, Hà Nội đã có 12/12 quận được Cục Chăn nuôi và Thú y ra Quyết định công nhận vùng an toàn bệnh dại, bao gồm: Thanh Xuân, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Đống Đa, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm. Việc hoàn thành xây dựng 12/12 quận thành vùng an toàn bệnh dại là mốc quan trọng đánh dấu: Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các quận thành vùng an toàn bệnh dại trước năm 2025 theo đúng chỉ đạo tại Kế hoạch số 105/KH-UBND của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2030.
Tăng cường kiểm tra, quản lý chó thả rông, xử lý nghiêm các trường hợp chủ nuôi không xích, không rọ mõm chó tại nơi công cộng, hoặc không chấp hành tiêm phòng đầy đủ theo quy định. Đến nay, cơ bản các phường trên địa bàn 12 quận đã thành lập và đi vào hoạt động các đội bắt giữ chó thả rông. Hoạt động này đã giúp giảm số lượng người bị chó tấn công, phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. Người dân đã cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về nuôi, nhốt, quản lý, nhất là việc khai báo, tiêm vắc xin và phòng, chống bệnh dại. Không để chó, mèo thả rông; khi đưa chó, mèo đến nơi công cộng, nơi đông người, khu dân cư, chung cư phải quản lý và thực hiện đầy đủ các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người xung quanh và bảo đảm vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng đã quyết liệt trong việc xử lý vi phạm hành chính, nếu người nuôi chó, mèo không tuân thủ quy định sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và buộc phải chấp hành việc tiêm phòng (theo Nghị định số 04/2020/NĐ-CP).
Phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan Y tế trao đổi, chia sẻ các thông tin về ca bệnh, ổ dịch trên động vật hoặc trên người, thực hiện phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn Thành phố, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây nên./.
Cấn Xuân Minh – Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội