Ngành Nông nghiệp dự báo, xuất khẩu rau, quả năm 2024 sẽ đạt hơn 7 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu được đề ra từ đầu năm là 6 tỷ USD.
Thị trường rộng mở
Từ đầu năm 2024 đến nay, rau, quả là ngành hàng đón nhận nhiều tin vui khi thị trường ngày một rộng mở. Đặc biệt, ngày 19/10 vừa qua, lô hàng quả chanh leo đầu tiên của Việt Nam được xuất sang thị trường Australia.
Giám đốc Kinh doanh Blue Ocean JSC (Công ty Xuất khẩu lô chanh leo sang Australia) Phan Quốc Nam cho biết, để xuất khẩu chanh leo sang Australia, công ty phải xây dựng được vùng trồng, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt và có sự kiểm tra, giám sát từ phía đối tác. Đồng thời, khâu sản xuất phải bảo đảm quy trình, quy chuẩn, tuân thủ các yêu cầu về an ninh sinh học.
“Việc xuất khẩu 1,5 tấn chanh leo sang thị trường Australia đã đánh dấu bước đi dài của công ty trong quá trình xuất khẩu trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới. Công ty Blue Ocean JSC cũng là đơn vị Việt Nam đầu tiên xuất khẩu quả chanh leo sang thị trường Australia”, ông Nam cho hay.
Trước đó, giữa tháng 10/2024, hai lô dừa tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị và Hà Khẩu. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Hoàng Trung thông tin, các lô hàng dừa tươi Việt Nam đầu tiên xuất sang thị trường Trung Quốc đều có nguồn gốc từ Bến Tre. Đây là kết quả của quá trình đàm phán giữa hai nước trong việc thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng nông sản chất lượng cao, phát triển hợp tác thương mại theo chiều sâu.
Không riêng chanh leo, dừa tươi, sầu riêng cũng là mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng lớn nhất trong thời gian qua. Dự kiến, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng có thể đạt gần 3 tỷ USD.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhận định, sầu riêng là loại trái cây mang lại những kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD - một con số hiếm loại trái cây nào đạt được. Đặc biệt, sầu riêng đông lạnh cũng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mở ra nhiều cơ hội mới cho mặt hàng này trong thời gian tới.
Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu chính ngạch được 12 loại trái cây sang thị trường Trung Quốc, gồm: Sầu riêng, thanh long, chuối, xoài, mít, vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt, vú sữa, dừa, chanh leo.
Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau, quả đạt khoảng 6,3 tỷ USD. Điều đáng nói, hầu hết mặt hàng xuất khẩu đều tăng mạnh, như: Sầu riêng, chuối, thanh long, dừa, xoài… Bộ Nông nghiệp & PTNT dự báo, xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt hơn 7,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Nâng cao chất lượng
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song các chuyên gia đều cho rằng, ngành hàng rau, quả cần tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam Ngô Thị Thu Hồng chia sẻ, dù xuất khẩu của doanh nghiệp tăng 30% so với năm trước, nhưng những khó khăn về vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, vùng sản xuất an toàn là những vấn đề doanh nghiệp cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần tập trung nâng cao chất lượng, khai thác thị trường tiềm năng châu Âu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Hoàng Trung cho rằng, thị trường châu Âu có dư địa tăng trưởng lớn, song cũng nhiều thử thách, khó khăn. Các sản phẩm khi xuất đi cần tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường và dư lượng thuốc trừ sâu. Các chứng nhận an toàn và thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng là lưu ý quan trọng cần ghi đầy đủ trên bao bì sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt cần cải thiện năng lực sản xuất, nắm vững quy định trên từng thị trường xuất khẩu, tiến tới hợp tác với đối tác để tạo ra sản phẩm xanh và bền vững, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trái cây tại châu Âu. Đây cũng là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp hướng tới.
Để khai thác tối đa nguồn lực từ ngành hàng rau, quả, Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng với các địa phương rà soát quy hoạch, tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu trên cơ sở lợi thế từng địa phương. Ngoài ra, Bộ còn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tham tán thương mại tại nước ngoài thông tin kịp thời về tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như diễn biến thị trường nhập khẩu để doanh nghiệp chủ động điều tiết sản xuất, phân phối./.
NB (Theo Báo HNM)