Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xen canh mang lại lợi ích kép cho nông dân Lâm Đồng

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhóm tiêu chí về “thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất” đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi, thu nhập ổn định thì bà con nông dân mới có điều kiện đóng góp công sức, tiền của cùng nhà nước xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực. Để góp phần thực hiện nhóm tiêu chí nói trên, một trong những giải pháp được nông dân Lâm Đồng ưu tiên triển khai, đó là xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng 1 đơn vị diện tích đất canh tác.



Vốn là người con của vùng đất miền Trung, ông Nguyễn Văn Bảy đến sinh sống ở phường 10, thành phố Đà Lạt và sinh cơ lập nghiệp từ mấy chục năm trước. Để ổn định cuộc sống, ông Bảy đã đầu tư nhiều loại cây trồng trên cùng 1 diện tích đất canh tác. Với diện tích 5.000 m2 đất của mình, ông Bảy đã luân canh nhiều loại nông sản ngắn ngày, như: Bí Thiên nga, lơ baby, cà chua, hoa cúc,... Tùy vào nhu cầu thực tế của thị trường và đơn đặt hàng của các thương lái mà kế hoạch đầu tư được thay đổi cho phù hợp.

Canh tác các loại nông sản ngắn ngày trong nhà kính, thường xuyên thâm canh, gối vụ,… nên nguy cơ đất trồng bị bạc màu, thoái hóa là rất lớn. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Bảy đã phát triển sản xuất theo hướng bền vững: Ưu tiên sử dụng các loại thuốc, phân hữu cơ có nguồn gốc sinh học để bền đất, bền cây tạo điều kiện cho nhiều loại sinh vật có lợi trong đất phát triển, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển đảm bảo cho năng suất ổn định, chất lượng vượt trội. Nhờ đó mà thu nhập bình quân mỗi tháng đạt hàng chục triệu đồng/sào. Ngay cả trong những thời điểm thị trường nông sản có nhiều xáo trộn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giải pháp canh tác khoa học nói trên đã giúp gia đình ông Nguyễn Văn Bảy thuận tiện liên kết và có đầu ra tương đối ổn định.

Không chỉ trên các loại nông sản ngắn ngày, những năm gần đây, bà con nông dân ở Lâm Đồng đã thâm canh các loại cây trồng dài ngày áp dụng giải pháp xen canh. Hiệu quả được thể hiện rõ nhất ở những khu vực chuyên canh cây cà phê. Do giá cà phê vối nhân xô nhiều năm gần đây tương đối thấp (dao động từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg), nên bà con nông dân khu vực chuyên canh thường trồng xen cây mắc ca, hồ tiêu cùng nhiều loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng,… Cà phê là loại cây trồng ưa ánh sáng tán xạ, nếu được xen canh với những loại cây trồng phù hợp vừa giúp che bóng và chắn gió trong vườn, vừa góp phần giúp nông dân tăng thêm thu nhập, mô hình xen canh sầu riêng trong vườn cà phê với mức thu nhập dao động  từ 102 triệu đến 233 triệu đồng/ha, còn mô hình bơ xen canh cũng mang lại nguồn thu tương đối lớn từ 81 đến 117 triệu đồng/ha…

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng có hàng chục ngàn ha đất được bà con đầu tư theo hướng xen canh. Trong đó, cà phê, rau, củ, quả... là những loại cây trồng được nông dân áp dụng các giải pháp xen canh phổ biến. Để giúp bà con có thêm nhiều thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh cùng những giải pháp kỹ thuật liên quan, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng các cấp Hội Nông dân tăng cường triển khai thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, xây dựng các mô hình khuyến nông, phổ biến các quy trình kỹ thuật trên trang website, Bản tin Khuyến nông để bà con nông dân học tập, nhân rộng mô hình, qua đó bà con nông dân có hướng áp dụng phù hợp ở từng nông hộ.

Anh Vũ Quốc Phương - Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) cho biết, thời gian qua, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ… luôn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân các cấp quan tâm. Cùng với đó là sự năng động, sáng tạo của người nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư đã giúp nhiều bà con ổn định sản xuất, thuận lợi trong việc liên kết tìm đầu ra.

Có thể khẳng định trong bối cảnh hiện nay, xen canh được xem là giải pháp phù hợp, góp phần giúp bà con nông dân thực hiện được mục tiêu kép: vừa ổn định thu nhập, vừa tạo môi trường canh tác bền vững nhờ tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Những yếu tố đó góp phần rất lớn tạo tính cạnh tranh cho nông sản Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước./.

Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng