Đặc biệt, xã tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển du lịch, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Xã Đường Lâm tập trung chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp xuống còn 14,9%; tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và ưu tiên phát triển kinh tế thương mại, du lịch.
Trên cơ sở đó, xã khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng các loại hình kinh tế nông thôn, như: Kinh tế cá thể, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế thương mại - dịch vụ phát triển. Nhờ đó, xã Đường Lâm đã xây dựng được các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là: “Cá trắm kho tộ” của hộ kinh doanh Bếp làng Đường Lâm; sản phẩm mỹ nghệ của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát; phát triển nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm như: Mô hình vườn hoa gia đình kết hợp du lịch trải nghiệm; mô hình kết hợp các dịch vụ ăn uống - du lịch trải nghiệm - chụp ảnh - homestay…
Hiện thu nhập bình quân toàn xã đạt 68 triệu đồng/người/năm; 2.781/2.781 hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định (nhà kiên cố, bán kiên cố) và từ tháng 6-2024, xã Đường Lâm không còn hộ nghèo, chỉ còn 28 hộ cận nghèo.
Đáng chú ý, xã có Di tích quốc gia Làng cổ Đường Lâm nằm ở 5 thôn, gồm: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm. Quần thể Làng cổ Đường Lâm có những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của một làng quê thuần Việt, gắn liền với cuộc sống nông thôn, sản xuất nông nghiệp từ hàng chục thế kỷ qua.
Làng cổ Đường Lâm còn là nơi lưu giữ, bảo tồn một kho tàng văn hóa, lịch sử quý báu, là vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt”, nơi sinh ra những vị anh hùng dân tộc, danh nhân, khoa bảng hiền tài, đóng góp cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, như: Vua Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh… Phát huy lợi thế của địa phương, xã Đường Lâm đã đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, góp phần mang lại nguồn thu cho địa phương và nhân dân.
Bí thư Chi bộ thôn Mông Phụ Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: Là “vùng lõi” của Làng cổ Đường Lâm, thôn Mông Phụ có nhiều di tích được khách du lịch biết đến, như: Đình Mông Phụ gần 500 năm tuổi; nhà thờ họ Giang gắn với Thám hoa Giang Văn Minh - vị sứ thần tài ba; nhà thờ họ Phan gắn với Phó Thủ tướng Phan Kế Toại - một người tài cao, đức trọng, liêm chính, tận tụy vì dân; hay nhiều ngôi nhà cổ đã hàng trăm năm tuổi…
Tận dụng thế mạnh phát triển kinh tế gắn với du lịch, nhiều hộ dân ở thôn Mông Phụ tích cực phát huy ẩm thực truyền thống, như: Sản xuất bánh chè lam, chè kho, bánh tẻ, bánh gai, kẹo dồi, lạc, vừng… Điển hình như cơ sở sản xuất bánh gai, bánh tẻ của gia đình chị Phan Thị Thành ở xóm Hè, tạo việc làm cho 7 lao động, với thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng; hộ ông Phan Văn Xuyến, ông Khuất Văn Thắng kinh doanh vườn hoa, ẩm thực, nhà hàng gắn với du lịch trải nghiệm, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. “Hầu hết các lao động trong độ tuổi ở thôn Mông Phụ đều có việc làm ổn định. Nhờ đó, bình quân thu nhập ở thôn thuộc diện cao của xã Đường Lâm, với mức hơn 72 triệu đồng/người/năm”, bà Nguyễn Thị Nghĩa thông tin.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, du lịch ở làng cổ được đẩy mạnh, đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Trong 9 tháng của năm 2024, xã đón hơn 14 vạn lượt khách tham quan tại làng cổ, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng. Ngoài ra còn có hàng chục nghìn lượt học sinh các trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn thị xã, thành phố và các địa phương lân cận đến tham quan, tìm hiểu về giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử, di tích làng cổ.
Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phạm Thị Lệ Thủy cho biết, hiện xã đạt và cơ bản đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh những thuận lợi, xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần được các cấp, ngành hỗ trợ, có giải pháp tháo gỡ để xã hoàn thiện những tiêu chí còn lại liên quan đến: Quy hoạch, giao thông, giáo dục, môi trường… Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã Đường Lâm quyết tâm cán đích sớm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao./.
TA (Theo Báo HNM)