Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng nông thôn mới bền vững, thực chất, đáp ứng nguyện vọng của người dân

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với hành trình hơn một thập kỷ qua đã tạo dựng những dấu ấn phát triển đặc biệt, góp phần mang đến diện khởi sắc cho bức tranh nông thôn của Thủ đô. Với phương châm “Làm đâu, chắc đó”, Hà Nội được Bộ NN&PTNT đánh giá, cách làm rất bài bản, căn cơ, bền vững, thực chất, không chạy theo thành tích, đặc biệt không có tình trạng nợ tiêu chí NTM, qua đó đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.



- Thưa ông, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp có làm gián đoạn tiến độ xây dựng NTM của Hà Nội?

- Trong bối cảnh khó khăn, thách thức bủa vây bởi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và huy động nguồn lực đầu tư, phát triển khu vực nông thôn, nhưng phong trào xây dựng NTM trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục giữ được “lửa”. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục được đẩy mạnh ở khắp các địa phương và đạt được những kết quả tích cực.

Đến nay, thành phố đã có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong số 6 huyện chưa về đích, hiện nay, huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020, trình Hội đồng Thẩm định trung ương xem xét, thẩm định. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Hai huyện Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Toàn thành phố đã có 368/382 xã đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong số 14 xã chưa hoàn thành NTM, có 2 xã (Vân Hòa, Ba Vì) thuộc huyện Ba Vì đã đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận đạt chuẩn. Còn lại 12 xã của các huyện Mỹ Đức, Ba Vì đều đạt 15-18 tiêu chí, phấn đấu trình thành phố đánh giá trước 30/9/2021. Có thể nói, kết quả đạt được, không chỉ góp phần ổn định kinh tế - xã hội cho khu vực nông thôn, mà còn sẵn sàng bứt phá cho nấc thang phát triển vươn tầm NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Hà Nội trong giai đoạn mới.

- Bộ NN&PTNT đánh giá, cách làm rất bài bản, căn cơ, bền vững, thực chất, không chạy theo thành tích, đặc biệt không có tình trạng nợ tiêu chí NTM. Vậy Hà Nội đánh giá xã đạt chuẩn NTM dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

- Thể chế hóa các quy định của Trung ương và từ thực tiễn, UBND thành phố đã ban hành các quyết định về công nhận xã đạt chuẩn NTM, đơn cử: Quyết định số 2072/QĐ-UBND ngày 03/4/2017 về việc ban hành Bộ tiêu chí về xã NTM thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 4212/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 về việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020; Quyết định số 3745/QĐ-UBND ngày 11/7/2019 về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu về lĩnh vực môi trường, an ninh trật tự, văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, tổ chức sản xuất, du lịch thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020.

Trên cơ sở Bộ tiêu chí của trung ương và thành phố ban hành, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn về phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở trong quá trình tổ chức, chỉ đạo và thực hiện xây dựng NTM.

Sở dĩ Bộ NN&PTNT đánh giá cao cách làm bài bản của Hà Nội đó là không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ tiêu chí NTM, trong khi đó, một số chỉ tiêu, tiêu chí NTM của thành phố đặt ra cao hơn so với Trung ương quy định. Chẳng hạn tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM yêu cầu có chợ nông thôn hoặc nơi mua bán trao đổi hàng hóa, nhưng Hà Nội yêu cầu, xã có chợ nông thôn trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đạt chuẩn hoặc có siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, ngoài 322 chợ nông thôn còn có các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và các cửa hàng kinh doanh tổng hợp, bảo đảm giao thương cho người dân khu vực nông thôn.

Hay tiêu chí giao thông, Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM yêu cầu đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, nhưng Bộ tiêu chí xã NTM thành phố Hà Nội yêu cầu đường ngõ xóm được cứng hóa sạch và không lầy lội vào mùa mưa; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện, bảo đảm vận chuyển hàng hóa quanh năm. Đây là yêu cầu cao hơn, nhưng Hà Nội đã làm rất tốt tiêu chí này.

Hoặc tiêu chí trường học theo quy định của tỷ lệ  trường học các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Trong khi hướng dẫn chấm điểm yêu cầu trường học các cấp phải đạt chuẩn quốc gia (tiêu chí cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia chỉ là một trong 5 chỉ tiêu để công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia).

Tương tự, về cơ sở vật chất văn hóa, theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM: 100% thôn bản ấp có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hoá thể thao phục vụ cộng đồng.

Tại Hướng dẫn số 4688/HD-BVHTTDL ngày 14/11/2016 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí 16 về văn hóa trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo đó quy định: Đối với các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí diện tích đất và huy động nguồn lực để xây dựng mới trung tâm văn hóa thể thao xã, nhà văn hóa khu thể thao thôn thì tạm thời sử dụng các cơ sở vật chất hiện có như hội trường, trung tâm học tập cộng đồng, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa đã xây dựng từ trước để tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao phục vụ cộng đồng.

Một số địa phương có các thiết chế văn hóa truyền thống như đình làng, nhưng chưa có nhà văn hóa, nếu được sự đồng ý của nhân dân và các đoàn thể địa phương có thể sử dụng thiết chế này tổ chức một số hoạt động văn hóa thể thao phù hợp. Một số thôn, làng, bản, ấp có số dân ít, địa giới hành chính gần nhau, được sự đồng thuận của nhân dân có thể tổ chức sinh hoạt văn hóa, thể thao tại một nhà văn hóa liên thôn.

Tuy nhiên, thành phố Hà Nội xác định và yêu cầu các huyện, thị xã rà soát toàn bộ các thôn, cụm dân cư chưa có nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa cũ, đã xuống cấp báo cáo thành phố để hỗ trợ đầu tư, phấn đấu trong năm 2021-2022, có 100% số thôn, cụm dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định.

Hà Nội xác định xây dựng nông thôn mới có điểm đầu không có điểm kết thúc với mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Theo định hướng của thành phố sẽ xây dựng NTM theo hướng tiêu chí đô thị. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí NTM các cấp (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021-2025, Hà Nội lồng ghép Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng tiêu chí đô thị để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đô thị hóa. Theo đó, một số tiêu chí sẽ cao hơn so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 của trung ương.

- Thưa ông, giữ "lửa" tinh thần ra quân xây dựng NTM sẽ giúp các địa phương thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra, góp phần quan trọng ổn định kinh tế nông thôn nói riêng và nền kinh tế nói chung, tạo sự ổn định, phát triển chung của thành phố. Để làm tốt nhiệm vụ này, thành phố đã gắn trách nhiệm các sở, ngành trong xây dựng NTM, qua đó, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân nông thôn?

- Đúng vậy, tại quyết định của UBND thành phố ban hành Bộ tiêu chí về xã NTM thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 đã nêu rất rõ, các sở, ngành chủ trì, hướng dẫn, thực hiện đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí theo chức năng, nhiệm vụ được giao của các xã trên địa bàn từng huyện. Trong quá trình công nhận xã đạt chuẩn NTM đều có sự tham gia của các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố có liên quan từ việc thẩm định, lấy ý kiến đánh giá tiêu chí phụ trách của các sở, ngành đến cuộc họp thống nhất, bỏ phiếu của Hội đồng thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới thành phố. Đặc biệt là việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM là một trong những điều kiện, thủ tục bắt buộc trong hồ sơ xét công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM.

Việc làm này nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng thời phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; bên cạnh đó nhằm đánh giá khách quan kết quả xây dựng NTM, nâng cao trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của tổ chức Mặt trận từ thành phố đến cơ sở trong việc vận động, giám sát xây dựng NTM trên địa bàn thành phố.

- Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2021, có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa), 14 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, với vai trò là cơ quan tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU, Văn phòng Điều phối NTM thành phố Hà Nội sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

- Có thể nói, những thành công trong hành trình hơn một thập kỷ qua thực sự đã tạo bước đột phá lịch sử làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn Hà Nội, mở ra những bước ngoặt mới, trong giai đoạn mới. Chúng tôi xác định, kết quả đạt được cũng chỉ là sự khởi đầu cho nhiệm kỳ mới để quyết tâm xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại theo hướng tiêu chí đô thị, phát triển kinh tế nông thôn, làng nghề, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu nông sản, sản phẩm OCOP…

Để làm tốt nhiệm vụ này đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở. Các cấp ủy Đảng cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM, cần làm cho từng người dân hiểu, tin tưởng và cùng tham gia, sẽ tạo sức mạnh tổng hợp, tạo bước đột phá trong thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực nâng chất lượng các tiêu chí NTM, chú trọng quan tâm các tiêu chí về trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, giao thông, chợ, cơ sở vật chất văn hóa… với mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn và người dân nông thôn thực sự hài lòng về kết quả xây dựng NTM với mong muốn xây dựng trở thành các làng quê đáng sống. Chính vì vậy Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đã xác định ngoài nguồn lực của nhân dân và xã hội hóa, thành phố bố trí dành nguồn lực khá lớn cho đầu tư giai đoạn 2021-2025 sẽ tập chung chính vào các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng tiêu chí đô thị, có một số chỉ tiêu, tiêu chí cao hơn so với Bộ tiêu chí của trung ương quy định giai đoạn 2021-2025.

Với phương châm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, “làm đâu, chắc đó”, Văn phòng Điều phối NTM thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp căn cơ để hoàn thành các nội dung Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu đặt ra trong giai đoạn 2021-2025.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Cổng GTĐT Hà Nội